Hạn chế khai thác nước ngầm - yêu cầu cấp bách

Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM mới đây công bố con số khiến người ta phải giật mình: Số lượng nước ngầm đang khai thác trên địa bàn TPHCM khoảng 530.000m³/ngày đêm, chiếm gần 1/3 khối lượng nước sạch mà người dân TP sử dụng mỗi ngày. Trong đó, có 322 giếng khai thác dạng công nghiệp với khối lượng gần 200.000m³ nước/ngày đêm.
Hạn chế khai thác nước ngầm - yêu cầu cấp bách

Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM mới đây công bố con số khiến người ta phải giật mình: Số lượng nước ngầm đang khai thác trên địa bàn TPHCM khoảng 530.000m³/ngày đêm, chiếm gần 1/3 khối lượng nước sạch mà người dân TP sử dụng mỗi ngày. Trong đó, có 322 giếng khai thác dạng công nghiệp với khối lượng gần 200.000m³ nước/ngày đêm.

Khai thác nước ngầm vô tội vạ tác động nghiêm trọng đến môi trường

Hậu quả của việc khai thác nước ngầm vô tội vạ đang ngày càng tác động nghiêm trọng đến môi trường, TPHCM ngày càng xuất hiện nhiều khu vực sụp lún nặng. Ngoài ra, công bố của Trung tâm Y tế dự phòng TP cho thấy, nhiều khu vực nguồn nước bị nhiễm bẩn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân khi sử dụng lâu dài.

Không thể trách doanh nghiệp, trách người dân khi khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên quý giá này. Bởi lẽ, trong điều kiện trước đây, khi TP còn nhiều khó khăn, chưa đủ điều kiện cấp nước sạch hết được cho dân, thì người dân, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh buộc phải khoan giếng để sử dụng. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên nước ngầm là hữu hạn. Tại các nước tiên tiến trên thế giới, người ta chỉ sử dụng nguồn nước này để dự trữ chiến lược.

Trong điều kiện hiện nay của TPHCM - 100% người dân TP đã tiếp cận được nước sạch, đặc biệt theo Sawaco, lượng nước sạch của đơn vị này sản xuất hiện nay còn dư đến khoảng 600.000 m³/ngày đêm, lớn hơn lượng nước ngầm mà người dân và doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh đang khai thác sử dụng. Nói rõ hơn là, dù có đóng tất cả giếng khoan trên địa bàn TP thì lượng nước sạch cung cấp cho sinh hoạt, sản xuất kinh doanh vẫn đảm bảo. 

Vì môi trường, vì chất lượng sống của người dân thì không còn lý gì để TPHCM không cấp bách tính toán và triển khai ngay các giải pháp hạn chế, tiến đến cấm khai thác sử dụng nguồn tài nguyên hữu hạn này.

Dĩ nhiên, để làm được bài toán này, cần có giải pháp đồng bộ. Cùng với việc vận động tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống, bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình, thì có những quy định vượt thẩm quyền của TP nên TP phải kiến nghị cấp thẩm quyền giải quyết - như quy định hộ gia đình khai thác nước ngầm không cần phải xin phép đang áp dụng cho cả nước, nhưng đối với TPHCM trong điều kiện nguồn nước sạch đã phủ kín thì không thể không cấm. Trong giải pháp kinh tế, không thể nào không tính đến việc giảm giá nước sạch đối với người dân còn khó khăn khi chuyển đổi sử dụng nguồn nước giếng khoan sang nước máy.


MAI ANH

Tin cùng chuyên mục