Việc khai thác nước ngầm quá mức đang gây ra những hệ lụy cho TPHCM như không đảm bảo nguồn cung cấp nước sạch cho sinh hoạt, nhiều khu vực bị sụt lún nghiêm trọng. Để hạn chế tình trạng này, TPHCM đang nỗ lực đến năm 2025 sẽ giảm lượng khai thác nước ngầm xuống còn 100.000m3/ngày/đêm.
Nhiều hệ lụy
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, ở một số quận huyện ngoại thành, tuy nhiều nơi đã có hệ thống cung cấp nước sạch, đường ống truyền dẫn đến tận nhà nhưng người dân vẫn sử dụng nước giếng khoan để sử dụng trong ăn uống, sinh hoạt, chăn nuôi, trồng trọt... hàng ngày. Trong khi đó, chúng tôi cũng ghi nhận tại một số quận ở trung tâm thành phố, có một số đơn vị, cá nhân cũng khai thác nguồn nước ngầm tràn lan để kinh doanh dịch vụ rửa xe.
Đơn cử như điểm rửa xe tại cây xăng tại góc đường Điện Biên Phủ - Cách Mạng Tháng 8 (quận 3) hay trên đường Trần Não (quận 2). Mặc dù chỉ dài 1km nhưng ở đường Trần Não có tới 3 điểm khai thác nước ngầm để rửa xe... Lý giải về thực trạng này, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết công tác tuyên truyền cho người dân về việc khai thác nguồn nước ngầm không theo quy hoạch còn hạn chế; mặt khác, người dân có thói quen sử dụng nước giếng khoan rất nhiều và chưa nhận thức hết được những tác động của việc khai thác nước ngầm quá mức nên tình trạng khai nước nước ngầm để sử dụng vẫn còn rất phổ biến hiện nay. Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ tài nguyên nước cũng chưa được thực thi nghiêm khắc nên tình trạng khai thác nước ngầm tràn làn, sử dụng thiếu hợp lý vẫn tồn tại ở TPHCM.
Bà Mỹ cũng thừa nhận, hiện nay rất khó quản lý, kiểm soát tình trạng khai thác nước ngầm trái phép, bởi các đối tượng có nhiều thủ đoạn để che đậy hành vi vi phạm của mình trước cơ quan chức năng. Việc khai thác nước ngầm quá mức, tràn lan hiện nay đã và đang gây ra những hệ lụy cho môi trường như nguồn nước ngầm ngày càng cạn kiệt; tình trạng sụt lún đất, xâm nhập mặn... Việc này chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và đời sống của người dân.
Cùng có nhận định này, Tiến sĩ Nguyễn Văn Ngà, Trưởng phòng Quản lý Tài nguyên nước và khoáng sản (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM), cho biết chất lượng nguồn nước ngầm hiện nay đang có nhiều vấn đề khi nguồn nước mặt bị ô nhiễm nghiêm trọng thấm rỉ vào lòng đất. Việc khai thác không hợp lý có thể dẫn đến những suy giảm nguồn dự trữ nước ngầm chiến lược. Chất lượng nguồn nước ngầm thay đổi theo hướng xấu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng.
Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM nhận định, đến năm 2020, nhiều khu vực tại thành phố sẽ tiếp tục lún thêm 12 - 20cm. Lúc đó, hậu quả thấy rõ hơn sẽ là hệ thống thoát nước bị tê liệt, đê bao chống ngập (do triều cường) không phát huy tác dụng. Triều cường ngày càng gây ngập nghiêm trọng là biểu hiện của mực nước biển ngày càng dâng cao; trong khi TPHCM lại ngày càng lún.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng lún nhanh là do khai thác nước ngầm tràn lan, quá mức. Thống kê của Phòng Quản lý tài nguyên nước và khoáng sản cho thấy, trên địa bàn TPHCM hiện có khoảng 100.000 giếng khoan khai thác nước ngầm có đường kính và độ sâu khác nhau, phân bố không đều trên các khu vực. Tầng chứa nước tốt (pleistocen) tập trung gần 79.000 giếng khoan, trong khi tầng trung bình (pliocen) có hơn 17.000 giếng. Tổng lượng nước ngầm đang được khai thác trên 680.000m3/ngày/đêm. Và với mức độ khai thác nhiều nhưng thiếu quy hoạch như hiện nay, tương lai không xa, TPHCM sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch nghiêm trọng.
Hỗ trợ kinh phí lấp giếng
TPHCM đang trong quá trình đô thị hóa nhanh khiến nhiều diện tích mặt đất bị bê tông hóa, nhựa hóa; ao hồ, kênh rạch bị lấn chiếm, san lấp... nên lượng nước tự nhiên thấm vào lòng đất ngày càng suy giảm. Vì vậy, việc bảo vệ tầng nước ngầm đã trở thành vấn đề cấp bách. Nhiều chuyên gia môi trường cảnh báo, nếu không có kế hoạch sử dụng hợp lý, không chú ý công tác bổ cập thì nguồn nước ngầm chỉ còn khả năng khai thác được trong 30 năm nữa.
Giải pháp căn cơ hiện nay là cơ quan chức năng cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ nguồn nước ngầm; không khoan, đào giếng bừa bãi để khai thác nguồn nước ngọt; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và tăng mức xử lý vi phạm trong việc khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước ngầm của thành phố. Những trường hợp khai thác quá mức an toàn hoặc nơi đã có mạng lưới cấp nước sạch thì kiên quyết buộc ngưng khai thác.
Trao đổi thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết, bên cạnh việc khai thác quá mức lượng nước ngầm, các giếng khoan khai thác nước ngầm bị bỏ hoang vì hư hỏng của người dân cũng là con đường dẫn các chất thải xuống tầng nước ngầm gây ô nhiễm thêm nguồn nước. Để hạn chế những hệ lụy từ việc khai thác nước ngầm tràn lan trên địa bàn TPHCM hiện nay; thiết nghĩ, song song với các biện pháp về nâng cao nhận thức sử dụng, khai thác nước ngầm hợp lý trong cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương cũng cần hỗ trợ người dân thực hiện trám, lấp các giếng khoan không còn sử dụng.
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đang kiến nghị UBND TPHCM hỗ trợ người dân thực hiện việc trám, lấp giếng không còn nhu cầu sử dụng với mức hỗ trợ khoảng 30% chi phí. Đối với các doanh nghiệp khai thác nước ngầm, phải tự xử lý các điểm khoan không còn sử dụng bằng kinh phí và kế hoạch của đơn vị.