Qua đây, bà Hoa cảnh báo: “Dịch HIV/AIDS ở Quảng Nam đã có dấu hiệu chững lại, tuy nhiên chưa thật sự bền vững. Số người nhiễm HIV phát hiện hàng năm có giảm nhưng không nhiều. Đặc biệt, dịch HIV/AIDS vẫn tiếp tục lây lan với một số thay đổi đáng lưu ý như: gia tăng sự lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục; gia tăng số người nhiễm vốn được coi là những người ít có nguy cơ như phụ nữ mang thai, công nhân…”.
Đồng hành cùng người bệnh
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1125/QÐ-TTg, theo đó bệnh nhân HIV sẽ bị cắt giảm nguồn hỗ trợ chi trả thuốc ARV, thay vào đó sẽ đưa loại thuốc này vào thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT).
Tỷ lệ có bảo hiểm y tế trên địa bàn Quảng Nam đạt hơn 91%, kể cả chính sách của UBND tỉnh Quảng Nam về việc hỗ trợ bệnh nhân nhiễm HIV mua thẻ BHYT. Tuy nhiên, với việc Chính phủ đưa thuốc ARV vào thanh toán BHYT bắt buộc người nhiễm HIV dù mua BHYT cũng sẽ phải chi trả thêm 20% khi điều trị thuốc kháng vi rút ARV khiến nhiều bệnh nhân và gia đình người bệnh lo lắng.
Không phủ nhận, việc đưa thuốc ARV vào danh mục thuốc được bảo hiểm chi trả được xem là phù hợp nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho người nhiễm HIV giảm bớt gánh nặng trong việc khám và điều trị. Dù vậy, điều đó cũng tạo ra những khó khăn nhất định cho không ít bệnh nhân.
Khảo sát cho thấy, hầu hết người bị nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đều có hoàn cảnh khó khăn, chưa kể mặc cảm bệnh tật, nên với việc đưa các loại thuốc điều trị HIV/AIDS vào danh mục BHYT, dù chỉ phải chi trả 20% cũng là một chi lớn đối với người bệnh.
Bác sĩ Đỗ Trường Lưu, Trưởng khoa Tư vấn chăm sóc và điều trị HIV/AIDS (Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Quảng Nam) cho biết, phần lớn thuốc kháng vi rút điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV giá khá cao nên với một số bệnh nhân sẽ rất khó khăn.
Để người nhiễm HIV được miễn phí hoàn toàn việc điều trị, Trung tâm đã trình Sở Y tế, UBND tỉnh đề án Hỗ trợ cùng chi trả thuốc kháng HIV cho bệnh nhân có thẻ BHYT giai đoạn (2018 - 2020).
Theo đó, bệnh nhân nhiễm HIV sẽ được hỗ trợ 20% số tiền còn lại đối với loại thuốc ARV, dự kiến đầu năm 2019 sẽ đưa vào áp dụng nhằm giúp bệnh nhân nhiễm HIV yên tâm chữa trị.
Theo bà Chế Thị Việt Hoa, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi HIV/AIDS, Trung tâm đã đặt ra những mục tiêu cụ thể từng năm như phấn đấu 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân; 90% người nhiễm HIV đủ điều kiện được điều trị ARV; 90% người nhiễm HIV điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng lây truyền; khống chế tỷ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,1%...
“Theo tôi, để hạn chế, hướng đến đẩy lùi HIV/AIDS các bên liên quan cần tập trung vào một số vấn đề gồm: nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi có hại, thực hiện hành vi an toàn dự phòng lây nhiễm HIV của các tầng lớp nhân dân", bà Hoa cho biết.
Đặc biệt là của những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường quảng bá các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS đến mọi người dân; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội, đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV và tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS”, bà Hoa chia sẻ.