Kể từ đầu năm đến nay, giá xăng E5 RON92 đã tăng 3.431 đồng/lít, lên 19.703 đồng/lít; xăng RON95 tăng 3.632 đồng/lít, lên 21.235 đồng/lít; dầu diesel tăng 2.475 đồng/lít, lên 17.384 đồng/lít…Trong đó, riêng tháng 4, giá xăng dầu đã tăng liên tiếp 2 lần, với mức tăng khoảng 2.686 đồng/lít xăng RON95 và 2.492 đồng/lít với E5 RON92.
Cùng với đó, liên bộ Công thương - Tài chính cũng yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối điều chỉnh mức trích lập/chi từ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu khác nhau tùy vào thời điểm tăng, giảm hay giữ ổn định giá bán.
Có thời điểm, với mỗi lít xăng, mức chi sử dụng quỹ từ 2.061 - 2.801 đồng tùy loại để giữ ổn định giá xăng.
Nhìn lại quá trình điều hành giá xăng dầu của liên bộ thời gian qua có thể thấy, “nhờ” có quỹ bình ổn mà mỗi lần đến chu kỳ điều hành, mức tăng đều không quá cao hoặc được giữ ổn định do doanh nghiệp được lấy nguồn từ quỹ.
Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa, khi giá xăng dầu thế giới giảm thì giá trong nước cũng không giảm tương ứng vì doanh nghiệp có thể phải trích lập cho quỹ bình ổn nhiều hơn.
Nghĩa là, với cơ chế điều tiết trích lập/chi từ quỹ bình ổn, giá xăng dầu trong nước dù theo xu hướng của thị trường thế giới nhưng vẫn có sự điều tiết của Nhà nước.
Tuy giá mặt hàng xăng dầu đã được điều chỉnh lên xuống một cách tương đối theo diễn biến thế giới nhưng cách thị trường xăng dầu ở Việt Nam vận hành vẫn khiến nhiều người cảm thấy băn khoăn, chưa thực sự tin tưởng vì nhiều lý do.
Thứ nhất, việc sử dụng công cụ quỹ bình ổn thực chất là dùng nguồn lực của người tiêu dùng, nghĩa là, người mua xăng dầu có sự chia sẻ để hình thành quỹ, và cơ quan quản lý, doanh nghiệp là người thay mặt thực hiện việc bình ổn giá. Trong khi đó, với doanh nghiệp đầu mối kinh doanh, mỗi lít xăng họ bán ra thị trường là đã được lãi định mức 300 đồng. Chuyện doanh nghiệp kinh doanh không phải lo lỗ là điều bất hợp lý nếu như nói mặt hàng xăng dầu đang vận hành theo thị trường và so với sự “hy sinh” của người tiêu dùng.
Thứ hai, cả nước có 28 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nhưng giá mặt hàng này hầu như tương đương nhau sau những lần điều chỉnh. Đây là điều vô lý vì quy mô hoạt động của từng doanh nghiệp khác nhau thì chi phí không thể giống nhau, vì thế giá bán không thể…như nhau. Thực tế, giá bán của các doanh nghiệp khác dường như đều nhìn vào mức giá mà Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (đơn vị đang chiếm khoảng 50% thị trường) điều chỉnh giá ra sao.
Thứ ba, tỷ lệ xăng nhập từ nguồn sản xuất trong nước (Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn) quý 1-2019 là 93,17% và quý 2 là 76,72%. Vì vậy, việc dựa theo giá xăng dầu thế giới để tính toán điều chỉnh cũng là vấn đề cần phải xem xét lại.
Mặc dù Việt Nam không mở cửa dịch vụ phân phối xăng dầu cho các nhà đầu tư nước ngoài nhưng nếu họ đầu tư xây dựng nhà máy lọc dầu thì có thể dựa vào mạng lưới bán lẻ của các doanh nghiệp trong nước để tiêu thụ sản phẩm của mình hoặc có quyền thiết lập hệ thống bán lẻ ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể tham gia thị trường xăng dầu Việt Nam nếu tham gia mua cổ phần của doanh nghiệp xăng dầu trong nước. Trên thực tế, sự xuất hiện của cây xăng thuộc Công ty TNHH Xăng dầu Idemitsui Q8 - doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài - đã thổi làn gió mới cho thị trường xăng dầu Việt Nam.
Tuy nhiên, để thị trường thực sự có sự cạnh tranh và người tiêu dùng có thể mua xăng dầu ở mức giá tốt hơn, như nhiều chuyên gia đã kiến nghị, đó là cần phải xem xét, sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu (trong đó có cơ chế vận hành của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, lợi nhuận định mức, tỷ lệ điều chỉnh giá…).
Nhà nước chỉ can thiệp khi mà thị trường có những cú sốc như quy định của Luật Giá và áp dụng chu kỳ tính giá theo thông lệ quốc tế. Ví dụ như tiến tới tính giá hàng ngày nhằm đảm bảo giá xăng dầu trong nước bám sát theo giá thị trường thế giới.
Đồng thời, cơ quan quản lý phải mở cửa mạnh hơn cho nhiều chủ thể tham gia kinh doanh lĩnh vực này và bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng, hạn chế liên kết độc quyền.