Sự khác biệt trong thời gian này là các hoạt động trực tuyến đều được thực hiện tại nhà, từ họp hành, mua sắm, giao dịch tài chính đến tham gia lớp học, giao tiếp xã hội. Theo ông Yeo Siang Tiong, Tổng giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á: “Điều này cho thấy công nghệ đóng vai trò quan trọng như thế nào trong cuộc sống chúng ta, nhưng cần suy xét lại về hoạt động bảo mật mạng gia đình trước những mối đe dọa trực tuyến”.
Từ nghiên cứu trên, 5 hoạt động phổ biến nhất mà người dùng ở Đông Nam Á chuyển sang trực tuyến là mua sắm (64%), trò chơi trực tuyến và phát trực tuyến nội dung (58%), kết nối với gia đình và bạn bè (56%), thực hiện giao dịch tài chính (47%) và tham gia các lớp đào tạo trực tuyến (39%). Đặc biệt, 81% người được hỏi lo ngại về việc hẹn hò trực tuyến, chứng tỏ những người độc thân ở Đông Nam Á thích gặp mặt trực tiếp hơn.
Qua khảo sát 760 người dùng trực tuyến theo nghiên cứu trên, 69% lo ngại khi thực hiện giao dịch tài chính trực tuyến và 62% cảm thấy không thoải mái khi họp trực tuyến. Tỷ lệ người dùng lo lắng về an ninh mạng đối với “net working” trực tuyến là 60%, kết nối với gia đình và bạn bè trực tuyến là 54%. Về mức độ lo lắng, 42% thừa nhận sợ ai đó truy cập thông tin tài chính; 37% lo lắng tài liệu cá nhân có thể bị truy cập, trong khi 35% lo sợ bị kiểm soát thiết bị thông qua kết nối internet không an toàn. Theo một báo cáo bảo mật khác, kết quả thật bất ngờ khi khảo sát 11.887 người tại 21 quốc gia, trong đó có 3.177 là từ Đông Nam Á, cụ thể là Indonesia và Việt Nam, thì; có đến 22% cho biết họ chia sẻ thông tin về tài khoản mạng xã hội để tham gia đố vui, 18,9% cho biết chia sẻ quyền riêng tư để nhận phần mềm, dịch vụ hoặc quà tặng miễn phí.
Ở góc độ cá nhân, việc chia sẻ thông tin tài khoản, tham gia đố vui có thể gây mất dữ liệu một vài người, nhưng trong một hệ thống, tổ chức hay doanh nghiệp… thì vấn đề không đơn giản. “Với tỷ lệ cao người dùng tại Đông Nam Á sử dụng thiết bị cá nhân để làm việc, một tài khoản bị đánh cắp có thể đồng nghĩa với hệ thống bảo vệ trực tuyến của doanh nghiệp bị tấn công. Chúng tôi mong doanh nghiệp nên tổ chức đào tạo về an ninh mạng để nâng cao nhận thức về bảo mật cho nhân viên”, ông Yeo Siang Tiong cảnh báo.
Cách bảo vệ dữ liệu: - Suy nghĩ kỹ trước khi đăng bất cứ điều gì lên mạng xã hội. Xem xét những hậu quả có thể có của việc công khai quan điểm hoặc thông tin của bạn, nội dung bạn đăng có thể được sử dụng để chống lại bạn hoặc gây bất lợi cho bạn hay không? - Giữ kín mật khẩu các tài khoản trực tuyến. Việc chia sẻ tài khoản với gia đình và bạn bè không đáng ngại, nhưng vẫn có khả năng thông tin này sẽ rơi vào tay kẻ xấu. - Nghiêm túc nhìn nhận sự quan trọng của quyền riêng tư trực tuyến. Chỉ chia sẻ hoặc cho phép truy cập thông tin với bên thứ ba chỉ khi thực sự cần thiết để giảm thiểu thông tin vào tay kẻ xấu. |