Gần 15 năm trước, trước khi trao đổi với người viết về chuyện ngập nước, kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu đã hứng đầy một xô nước rồi đổ ào ra khu đất trồng thảm cỏ trước nhà. Vừa đổ xong, nước ngấm hết xuống đất, ông Lưu nói: “Muốn chống ngập phải giảm tỷ lệ bê tông hóa đô thị, dành cho việc thoát nước tự nhiên càng nhiều càng tốt”. Thời điểm đó ngập không như bây giờ, nhưng vấn đề bê tông hóa đô thị vẫn còn nguyên thời sự.
Mới đây, tại một hội thảo liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Tùng, Phó giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TPHCM, cũng dành thời lượng khá nhiều để trình bày về chủ đề điều tiết nước mưa trong quy hoạch quản lý đô thị. Theo đó, hiện trạng chống ngập của chúng ta rất bị động. Đầu tiên, việc đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước kết nối các khu vực dân cư mới diễn ra rất chậm so với tốc độ đô thị hóa nên xuất hiện những điểm ngập mới. Thứ hai, lượng mưa ngày càng tăng nên các hệ thống thoát nước được xây dựng mới cũng bị quá tải, không đảm bảo hoạt động đúng chu kỳ tràn cống đã được thiết kế. Thứ ba, việc phát triển đô thị vùng cao có thể là tác nhân gây ngập các lưu vực thấp hơn liền kề nếu không có biện pháp ngăn ngừa. Một trong những yêu cầu cơ bản về quản lý chống ngập bền vững là không để dự án phát triển ở những khu vực thuận lợi nhưng gây ảnh hưởng bất lợi cho những khu vực khác. Dự án phát triển đô thị phải bảo đảm yêu cầu không làm phát sinh dòng chảy tràn thặng dư, bởi vì giải quyết hậu quả của việc phát sinh điểm ngập mới ở các khu vực đã đô thị hóa là rất phức tạp và tốn kém kinh phí. Ngoài ra, việc phát triển đô thị tại những khu vực thấp cũng làm gia tăng nguy cơ ngập nước…
Giải pháp cần phải sử dụng linh hoạt, mềm dẻo nhằm bổ sung những khiếm khuyết và chưa phù hợp của giải pháp cứng là bên cạnh các giải pháp chính như xây dựng hệ thống cống thoát nước, hệ thống kiểm soát triều (đã và đang triển khai) cũng cần kết hợp giải pháp phụ trợ là bổ sung không gian thoát nước. Thực chất, các nước tiên tiến trên thế giới vẫn áp dụng giải pháp này. Có thể bắt gặp trên đường phố ở Australia hoặc châu Âu…, mỗi căn nhà đều có thảm cỏ trước và sau nhà, giải quyết việc rửa đồ đạc và thoát nước; trên các tuyến đường, bên cạnh vỉa hè cho người đi bộ, đi xe máy là dải đất dành trồng cây cỏ còn lớn hơn diện tích dành cho người đi bộ (làm bằng bê tông). Điều này ngược hoàn toàn với thiết kế vỉa hè tại TPHCM, tất cả được lát gạch, bó vỉa, còn bồn cây xanh thu lại chỉ vừa gốc cây mà thôi!
Vì vậy, tại TPHCM, việc bố trí không gian điều tiết nước mưa có thể theo 3 hướng: hồ chứa tập trung; quy mô dự án, khu công cộng và quy mô hộ gia đình. Việc điều tiết nước một cách khoa học sẽ đảm bảo yêu cầu kiểm soát nước mưa cho từng khu vực cụ thể và không gây ảnh hưởng đến lưu lượng nước tại thượng nguồn cũng như hạ nguồn, kể cả các khu vực xung quanh. Thực tế cho thấy, sự phát triển đô thị lâu nay “đam mê” những công trình kiên cố bằng bê tông cốt thép mà quên đi sự thoát nước tự nhiên của “đất mẹ” để “mưa thuận gió hòa”. Chúng ta quy định rất bài bản về mật độ xây dựng nhằm dành đất cho công trình công cộng, công viên cây xanh trong các dự án phát triển nhà ở, nhưng lại không bắt buộc phải dành bao nhiêu phần đất để trồng cây và không được bê tông hóa.
Căn bệnh ngập khó chữa nhất lâu nay vẫn là mưa lớn cộng với thủy triều lên nên TPHCM cần có những giải pháp gắn với sự điều tiết của tự nhiên và triển khai sớm là hết sức cần thiết.