“Clip hai nữ sinh Nghệ An bị đánh hội đồng”, “Lại xuất hiện clip nữ sinh đánh nhau, lột áo”, “Nữ sinh đánh nhau cởi áo dưới ruộng”… Liên tiếp nhiều ngày qua, những clip nội dung trên xuất hiện tràn ngập trên các trang mạng, đem lại nỗi bất an trong dư luận xã hội. Phải chăng người trẻ Việt thích giải quyết mâu thuẫn, khúc mắc bằng nắm đấm, cú đá? Và một trong những giải pháp được nhắc tới là công tác tư vấn tâm lý học đường, để các em không ra đường với tư duy “nắm đấm, cú đạp là đầu câu chuyện”.
Học sinh chưa... quen
Để nắm rõ hơn về thực tế nhu cầu tư vấn tâm lý học đường, chúng tôi đã tiến hành một cuộc khảo sát nhỏ đối với học sinh ở một số trường tại TPHCM. Theo đó, phần lớn học sinh cho biết các em không có nhu cầu tư vấn, có em còn phản ứng: “Em có bị khùng đâu mà phải tư vấn tâm lý” hay một số học sinh còn không biết trường mình có phòng tư vấn tâm lý. Cũng có những em muốn được tư vấn nhưng ngại chia sẻ với người lớn, sợ tâm sự của mình bị đồn thổi và nhất là khoảng cách giữa thầy và trò ở nước ta chưa thực sự gần gũi nên trẻ e dè, thậm chí xa lánh khi thầy cô có ý định tiếp cận.
Như trường hợp của H.M.T (học sinh Trường THPT Gia Định), sau một cuộc tình dang dở, T. trở lên lầm lì, học hành chểnh mảng. Hỏi về nhu cầu tư vấn tâm lý, T. chia sẻ: “Cũng nhiều lần em định tìm đến phòng tư vấn tâm lý nhưng ngại lắm bởi mỗi khi có bạn nào bước vào phòng đó là cả trường xôn xao rồi đồn đoán nguyên nhân như ba mẹ ly dị, yêu đương lăng nhăng hoặc bị bệnh…tâm thần, kèm theo đó là những lời nói không mấy thiện cảm. Vì vậy mà em ngại, cứ giữ trong lòng hoài, không dám nói cho ai biết”.
Hay như bản thân L.H.B, từng là một học sinh hoạt bát, vui vẻ của một trường cấp 2 tại quận Thủ Đức, nhưng sau khi cha mẹ phải ngồi tù thì B. trở nên ngang ngược và bất cần. Vì đang trong độ tuổi mới lớn, lại không có người khuyên răn nên B. thường xuyên tham gia các trận đánh nhau với chúng bạn và bỏ học. Theo lời tâm sự của B., em thường xuyên bị bạn thách thức, trêu chọc trên mạng nhưng không tìm được địa chỉ uy tín để tâm sự. Cảm nhận được sự xa lánh của bạn bè, thậm chí là sự xa lánh của một số thầy cô khiến B. càng thu mình lại và sẵn sàng đáp trả những lời trêu chọc của bạn bè bằng mọi cách.
Theo cô Bùi Thị Kiều, giáo viên tư vấn tâm lý học đường Trường THPT Maire Curie (quận 3), ngày nay tư vấn phải tập trung vào phòng ngừa, kịp thời phát hiện các em học sinh có biểu hiện về tâm lý để được quan tâm, khuyên giải. Cần phải xây dựng niềm tin trong lòng các em để phòng tư vấn thực sự là người bạn đồng hành. Cô Bùi Mỹ Dung, giáo viên dạy văn kiêm tư vấn tâm lý học đường Trường THCS Quang Trung (quận 4) cũng cho rằng: “Hiện nay có nhiều kênh để tiếp cận các em, thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua bạn bè, qua mạng xã hội nhưng cốt lõi là phải trò chuyện với các em theo cách lứa tuổi các em nghĩ, là tâm sự chứ không phải tra hỏi, không ồn ào, không phân biệt đối xử… Nếu làm được điều đó thì học sinh sẽ tìm đến phòng tư vấn khi có khúc mắc trong cuộc sống, từ đó sẽ kéo giảm các hành động tiêu cực do học sinh gây ra”.
Phải là địa chỉ tin cậy
Tại TPHCM, từ năm 2012, bắt đầu triển khai hoạt động của phòng tư vấn tâm lý tại một số trường học. Đến nay, có khoảng 100 trường học đã tổ chức hoạt động phòng tư vấn tâm lý. Sở GD-ĐT cũng thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn về nghiệp vụ tư vấn tâm lý học đường cho các cán bộ, giáo viên phụ trách vấn đề này. Qua đó, cũng có những trường, công tác tư vấn thu hút được nhiều học sinh và hoạt động có hiệu quả, như ở Trường THCS Quang Trung (quận 4), THPT Marie Curie (quận 3), THCS Hà Huy Tập, THCS Trương Công Định (quận Bình Thạnh), THPT Phú Lâm (quận 6) …
Cô Bùi Mỹ Dung đang tư vấn tâm lý cho học trò Trường THCS Quang Trung (quận 4, TPHCM)
Cô Bùi Mỹ Dung cho biết: “Phòng tâm lý tại trường hoạt động từ đầu năm 2012, ban đầu học sinh còn rất e dè, thậm chí né tránh khi chúng tôi tiếp cận các em. Chúng tôi đã dành thời gian để tìm hiểu về những vướng mắc các em đang gặp phải, tìm hiểu hoàn cảnh, tính cách của từng em để có cách tiếp cận phù hợp. Đến nay phòng hoạt động rất hiệu quả, các em coi phòng tư vấn tâm lý như người bạn khi cần chia sẻ, cần lời khuyên vào mỗi giờ giải lao và sau giờ học”.
Tuy nhiên, cũng có những trường gặp khó khăn trong việc tiếp cận học sinh, số học sinh đến với phòng tư vấn chỉ đếm trên đầu ngón tay khiến nhà trường phải “dẹp tiệm” sớm. Tiến sĩ Lê Thị Mỹ Hà (Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM) cũng chỉ ra rằng khi gia đình và nhà trường chưa phải là chỗ dựa về tinh thần cho các em trẻ rất dễ bị trầm cảm, chán nản, ảnh hưởng đến học tập. Với những em tìm đến nguồn tư vấn từ bạn bè, mạng xã hội và các địa chỉ thiếu tính xây dựng thì sẽ có nguy cơ như bị xâm hại thân thể, bị lôi kéo sa vào tệ nạn xã hội hay vi phạm pháp luật.
Xã hội ngày càng phát triển, đa dạng và phức tạp thì tâm lý của lứa tuổi học trò cũng có những biến động đáng lo ngại. Các em thường gặp những khúc mắc trong học tập, tâm sinh lý tuổi mới lớn hay trong quan hệ bạn bè, hoàn cảnh gia đình… Nếu không được giải tỏa, khuyên răn thì sẽ dẫn đến các hành động tiêu cực như chán học, bỏ học, đánh nhau hay nặng hơn là tự tử, gây án mạng… Và hạn chế bạo lực bằng tư vấn tâm lý học đường là một điều đáng lưu tâm đối với những người làm công tác giáo dục.
HẢI THU