Không ngại chi
Những ngày diễn ra các đêm nhạc của Hoàng Dũng, Chillies, nhóm rap SpaceSpeakers, đi ngang Nhà thi đấu Quân khu 7 (TPHCM) nhiều người sẽ thấy cảnh tượng các bạn trẻ xếp hàng rồng rắn rất sớm để mua vé. Các show của Đen Vâu, Mỹ Tâm tại Hà Nội cũng diễn ra cảnh rồng rắn xếp hàng tương tự.
Đặc biệt, không chỉ ủng hộ bằng lightstick (thiết bị phát sáng cổ vũ), hàng ngàn bạn trẻ còn “đu idol” qua việc ủng hộ đặt mua album, mua merchandise (vật phẩm) như áo, túi “tò te”, dây đeo, khăn quàng, poster, móc khóa…
Bạn Nguyễn Ngọc Phương Khanh (27 tuổi, ngụ phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức, TPHCM) nói: “Bỏ tiền mua vé tận mắt xem nghệ sĩ mình yêu mến cho đã mắt, đã tai thì tiếc gì. Cảm giác được khoe những merchandise thương hiệu thần tượng khi đến các show âm nhạc trên facebook với bạn bè rất đã”.
Hàng ngàn bạn trẻ tại đêm nhạc của Hoàng Dũng |
Quả thật, khi nền công nghiệp âm nhạc hiện đại phát triển sẽ gắn liền với việc bùng nổ các live concert (sự kiện âm nhạc trực tiếp) thì sự chú ý của khán giả trẻ cũng vô cùng lớn. Việc săn đón vé VIP, không tiếc tiền sở hữu món phụ kiện “đắt xắt ra miếng”, vật phẩm của các “idol”… dần trở thành quen thuộc tại Việt Nam.
Đặc biệt, vừa qua, trước thông tin về concert Born Pink của BlackPink (nhóm nhạc nữ Hàn Quốc) được tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 7, rất nhiều khán giả trẻ xôn xao từ mạng xã hội đến đời thực. Từ thông tin các nghệ sĩ, những ca khúc biểu diễn, giá vé, cách mua vé đến cách “đu idol”, chọn trang phục để đến với concert… không ít bạn trẻ sẵn sàng “săn” vé gần chục triệu đồng.
Không chỉ với đêm nhạc này, khá nhiều đêm nhạc của các ca sĩ nổi tiếng trong nước hay ca sĩ nổi tiếng thế giới tổ chức ở một số nước Đông Nam Á lân cận cũng được các bạn trẻ tích cực săn vé “đu idol” bằng được. Nhiều bạn không ngại ngần bỏ tiền hàng chục triệu đồng để xuất ngoại xem ca nhạc kết hợp du lịch. Như mới đây, thông tin Việt Nam nằm trong tốp 8 nước đặt gói xem show The Eras Tour của ca sĩ Taylor Swift tại Singapore được nhiều người quan tâm.
“Trong đợt mở vé bán trước của Taylor Swift, từ sáng sớm, nhiều người đã mở máy tính, điện thoại, truy cập vào Ticketmaster.sg để “chực chờ” săn vé. Quá khủng khiếp, hơn 80.000 vé được bán hết chỉ trong vòng 3 giờ. Tôi khá may mắn kịp sở hữu 2 chiếc vé đến với đêm nhạc. Tôi biết có một số bạn không giành suất được phải mua lại với giá cao hơn vé gốc gấp 2-3 lần”, bạn Quang Huy (32 tuổi, ngụ quận 4, TPHCM) kể.
“Đu idol” có mức độ
3 tuần nay, thuật ngữ “đu idol” đang rần rần cõi mạng. Đi đâu cũng nghe nói đến “đu idol” cùng tên tuổi một số nhóm nhạc, ca sĩ. Thuật ngữ này để chỉ những người hâm mộ cuồng nhiệt, dành nhiều thời gian, tiền bạc, công sức ủng hộ cho thần tượng của mình qua việc mua vé xem nhạc, mua album, cày view hay chi tiền mua merchandise. Việc đu thần tượng của giới trẻ nhận về những định kiến khá khắt khe từ người lớn.
Bạn Nguyễn Nhã Tuyền, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Guitar Trường Đại học Luật TPHCM, bày tỏ: “Việc ủng hộ các đêm nhạc, chi tiền đến xem ca sĩ yêu mến là bình thường. Có những chương trình ca nhạc giá vé tiền triệu hay chục triệu, một số bạn vẫn sẵn sàng chi. Nếu mọi người từng đến các đêm nhạc, đứng trong không khí trẻ trung, hừng hực mà ban nhạc đánh quá “cháy”, ca sĩ hát quá “nhiệt” chắc chắn sẽ hiểu. Đó cũng là một phần trong thanh xuân của người trẻ, hết mình với các đêm nhạc của thần tượng. Tuy nhiên, việc chi tiền quá lớn, “đu idol” đến mức bất chấp là không nên”.
“Đu idol” là một phần không thể thiếu trong văn hóa âm nhạc đại chúng của giới trẻ hiện nay, là chuyện bình thường, diễn ra ở nhiều quốc gia, nhiều nền văn hóa. Quan trọng là hành động thể hiện sự hâm mộ thần tượng sao cho lành mạnh, văn hóa, có mức độ để không biến thành trò cười cho mọi người.
Như chia sẻ của anh Ngô Duy Tâm (38 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM): “Hâm mộ thần tượng không có gì sai nhưng nhiều người trẻ bây giờ xem trọng thần tượng một cách thái quá, phóng đại quá mức. Tôi nghĩ, dù hâm mộ đến mức nào cũng cần một thái độ văn minh, hành vi văn hóa, biết cân đối chừng mực giữa việc thần tượng và cuộc sống”.