
Như báo SGGP và các phương tiện thông tin đại chúng mấy ngày qua đưa tin: giáo sư Peter Vikesland (Mỹ) đưa ra thông báo về chất triclosan có trong một số loại kem đánh răng, khi tiếp xúc với nước máy chứa clo, sẽ sản sinh ra khí chloroform - loại chất được Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ xếp vào loại “có thể sinh ung thư”. Còn tại Việt Nam, các nhà khoa học nói gì...
- Đi tìm sự thật...
Để tìm hiểu sự việc trên, phóng viên SGGP đã tiến hành liên lạc với nhiều cá nhân, tổ chức khoa học để mong muốn tham khảo ý kiến của họ về tác hại của chất triclosan. Khi liên lạc với một vị lãnh đạo của Viện Hóa học (Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ quốc gia), phóng viên đã được giới thiệu sang một chuyên gia khác của viện nhưng đến cuối buổi chiều qua, vị chuyên gia đó chưa có câu trả lời.

Trên vỏ hộp kem đánh răng Close up có đề rõ thành phần triclosan, nhưng không ghi hàm lượng bao nhiêu.
Tiếp xúc với giáo sư Trần Văn Trường, Viện trưởng Viện Răng - Hàm – Mặt Trung ương, ông cho hay: ‘’Hiện nay, tài liệu nghiên cứu về chất này chưa có nhiều. Ngay tại Viện Răng - Hàm - Mặt đến nay chưa có trường hợp nào bị ảnh hưởng của chất này phải nhập viện. Vì vậy chúng tôi không thể nói gì thêm được’’.
Còn GS. Lê Văn Các, Trưởng phòng Hóa môi trường (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, trung bình mỗi người một ngày dùng khoảng 5g kem đánh răng, nếu có hàm lượng triclosan thì chỉ vào khoảng 0,02%. Nếu clo tự do trong nước máy có thể phản ứng với triclosan để tạo nên Chloroform, một tác nhân gây ung thư thì cũng phải thấy rằng khi đánh răng, ta không uống nước đó vào mà nhổ đi. Do đó, với hàm lượng không đáng kể thì khả năng gây ung thư là rất khó...
Chiều 27-4, khi liên lạc với ông Cao Minh Quang, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), chúng tôi được yêu cầu là hãy fax câu hỏi tới và cuối giờ chiều sẽ được trả lời. Tuy nhiên, cuối giờ chiều, khi phóng viên tới trụ sở Cục Quản lý Dược thì thư ký của ông Quang thông báo: Cục trưởng đi đâu không rõ (!?). Chúng tôi đã tiếp tục liên lạc với ông Quang đến tận hơn 20 giờ cùng ngày bằng điện thoại cố định và cơ quan, nhưng không ai trả lời.
Trao đổi với phóng viên báo SGGP, ông Vũ Văn Diện, Giám đốc Trung tâm Tiêu chuẩn chất lượng (Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng) cho biết, đây là một vấn đề rất mới, bởi trong bộ tiêu chuẩn Việt Nam về kem đánh răng không đề cập đến chất triclosan và cần có thêm những nghiên cứu, kết luận khoa học cụ thể hơn. Tuy nhiên, ông Diện nói: “Chúng tôi sẽ nghiên cứu vấn đề này và khi có kết luận cuối cùng, nếu cần thiết sẽ bổ sung thêm những chi tiết mới vào bộ tiêu chuẩn kem đánh răng ở Việt Nam, thậm chí có sửa đổi toàn bộ những tiêu chuẩn này”.
- An toàn và không hề gây hại?
Ngay sau khi có thông tin sản phẩm Close up của Công ty TNHH Unilever Bestfoods và Elida P/S, thành phần ghi trên bao bì có triclosan, nhưng không ghi hàm lượng, Công ty Unilever Việt Nam đã có ý kiến trả lời về vấn đề này. Theo đó, triclosan là một chất diệt khuẩn, đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và được chứng minh là loại nguyên liệu an toàn trong mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc gia đình trên 30 năm nay.
Triclosan có thể tác dụng với clo nhưng chỉ khi có clo dư như ở trong các nhà máy xử lý nước và trong môi trường acid. Phản ứng không thể xảy ra trong nước máy. Ngoài ra, ngay cả khi cloroform được tạo ra trong điều kiện thí nghiệm như thông tin của GS. Peter Vikesland cũng chỉ với liều lượng rất thấp (50ppb, tương đương với chưa đến một phút trong vòng 30 năm).
Lượng cloroform cực thấp này không thể gây nguy hiểm đến sức khỏe con người. Đại diện của Unilever Việt Nam cũng cho biết, việc sử dụng triclosan trong sản phẩm luôn phải tuân thủ những quy định của các cơ quan chính quyền nhằm đảm bảo rằng các sản phẩm này an toàn cho người tiêu dùng sử dụng, bảo vệ sức khỏe con người. Cụ thể, độ an toàn của triclosan dùng trong các sản phẩm như kem đánh răng, nước rửa tay, xà phòng… được bảo đảm và ủng hộ bởi Hội đồng Khoa học châu Âu về sản phẩm tiêu dùng và cũng được Hội đồng đánh giá các thành phần của mỹ phẩm của Mỹ công nhận.
- “Sách vở” đã từng nói về triclosan...
Tham khảo một số tài liệu nước ngoài, được biết: triclosan là một chất kháng khuẩn có thể diệt được nhiều loại vi khuẩn và vi sinh vật được sử dụng phổ biến ở các sản phẩm tẩy rửa hóa mỹ phẩm, xà phòng, polimer, dệt may để chống vi khuẩn. Trong các chất diệt cỏ cũng có triclosan. Nếu được dùng theo đúng chỉ định, triclosan sẽ là chất an toàn và hiệu quả.
Để được đăng ký là sản phẩm chăm sóc răng miệng, triclosan đã trải qua quá trình xét duyệt đăng ký khắt khe, kiểm nghiệm, nghiên cứu nhiều lần, qua được đòi hỏi khắt khe của cơ quan chức năng quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ. Với môi trường, đây là chất an toàn, không có tác động tiêu cực vì phần lớn sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc sức khỏe con người, có thể được thải ra nguồn nước, được phân hủy.
Triclosan có thể tìm thấy trong cá, nhưng không tồn tại trong mô mà ở các cơ quan chuyển hóa dưới dạng chuẩn bị đào thải ra ngoài nên người ăn sẽ không ảnh hưởng, không bị tồn dư trong cơ thể người...
Theo thông tin mà báo SGGP có được, tại Việt Nam, triclosan không nằm trong danh mục các chất bị cấm hay bị giới hạn sử dụng của Bộ Y tế. Nhưng điều đó cũng không thể kết luận liệu kem đánh răng chứa triclosan ở Việt Nam có gây tác hại không? Điều này hoàn toàn còn bỏ ngỏ, và đang chờ một sự nghiên cứu, kết luận cuối cùng từ các cơ quan quản lý và các nhà khoa học!
NGỌC LINH – BÌNH CHÂU
Các chỉ tiêu vệ sinh, an toàn của kem đánh răng (yêu cầu về kỹ thuật tại Việt Nam) |