Đóng góp lặng thầm
Toàn địa bàn thành phố hiện đang khai thác 9 hầm chui. Căn cứ theo mục đích sử dụng, các hầm chui này được chia thành 3 nhóm. Đó là nhóm hầm chui chỉ dành cho người đi bộ, với 4 hầm là hầm chui Tân Tạo thuộc quận Bình Tân và 3 hầm chui khác tại nút giao thông Bình Thuận thuộc huyện Bình Chánh.
Nhóm hầm chui thứ 2 chỉ cho phép các loại xe cơ giới lưu thông cũng có 4 hầm. Đó là hầm chui theo đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh; đường hầm vượt sông Sài Gòn thuộc quận 1 và quận 2; hầm chui rẽ trái thuộc dự án Xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy, quận 2 và hầm chui tại ngã tư An Sương.
Cuối cùng là hầm chui tại Linh Trung thuộc địa bàn quận Thủ Đức. Hầm chui này cho phép cả người đi bộ và một số loại xe cơ giới lưu thông, như các ô tô dưới 9 chỗ hoặc xe tải dưới 1,5 tấn, mô tô, xe gắn máy…
Một cách tổng quát, các hầm chui nêu trên sau khi đưa vào sử dụng đã chứng minh tính hữu ích thông qua việc góp phần kéo giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, đặc biệt là ở các khu vực tập trung đông công nhân trên tuyến quốc lộ 1.
Hầm chui tại điểm nóng giao thông ngã tư An Sương có thể xem như một ví dụ điển hình. Ngã tư An Sương là trục giao thông quan trọng nằm ở cửa ngõ Tây Bắc thành phố, nơi hội tụ của 2 tuyến quốc lộ là quốc lộ 22 và quốc lộ 1. Tuyến quốc lộ 22 giữ vai trò vận chuyển hàng hóa, hành khách từ Campuchia, Tây Ninh về thành phố, nối vào trục đường chính xuyên tâm là đường Trường Chinh với mặt cắt ngang 10 làn xe.
Còn quốc lộ 1 là tuyến vận chuyển hàng hóa, hành khách quan trọng nối các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ. Chính vì thế, nút giao này thường xuyên tập trung một lượng lớn phương tiện giao thông và mặc dù giao thông đi thẳng trên quốc lộ 1 là giao thông khác mức, thế nhưng tất cả các hướng giao thông còn lại đều có khuynh hướng tập trung vào đảo trung tâm, từ đó gây quá tải tại nút. Trên thực tế, thời gian qua nút giao này thường xuyên ở trong trạng thái bức bối về giao thông do sự xung đột giữa các luồng xe.
Tình hình trên đã có bước chuyển biến kể từ khi nhánh hầm chui đầu tiên tại nút giao thông An Sương được đưa vào khai thác. Giữa tháng 3-2018, Sở GTVT TPHCM đã chính thức thông xe nhánh hầm đầu tiên theo hướng từ đường Trường Chinh đi quốc lộ 22, gọi tắt là nhánh N1.
Thống kê từ ngành chức năng cho thấy, từ khi cho phép lưu thông, bình quân mỗi ngày có khoảng hơn 16.000 ô tô các loại lưu thông qua nhánh hầm N1. Nhờ giảm bớt giao cắt bởi dòng ô tô đi thẳng từ hướng Trường Chinh qua quốc lộ 22 nên các hướng lưu thông còn lại tại nút cũng thoáng hơn, giảm thiểu ùn tắc và an toàn giao thông cũng được cải thiện.
Tương tự, nhờ có hầm chui Tân Tạo, an toàn giao thông cho người đi bộ và của 90.000 công nhân ở những công ty gần đó có nhu cầu lưu thông băng qua quốc lộ 1 đã được đảm bảo hơn. Trong khi đó, hầm chui Linh Trung cũng đáp ứng tốt nhu cầu lưu thông và đảm bảo an toàn cho người đi bộ cũng như các loại ô tô dưới 9 chỗ, xe 2 bánh lưu thông băng ngang qua quốc lộ 1, giảm áp lực lên nút giao quốc lộ 1 trên đường vào Khu chế xuất Linh Trung 2 cũng như tạo thêm hướng lưu thông cho phương tiện trên đường Phạm Văn Đồng có thể đi vòng tránh một khi xảy ra ùn ứ giao thông tại nút giao thông Linh Xuân.
Phải khắc phục hạn chế
Các hầm chui chỉ cho phép phương tiện xe cơ giới lưu thông thì hữu ích theo cách khác khi đã góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô, như hầm chui theo đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh; đường hầm sông Sài Gòn hình thành trục giao thông kết nối phía Đông và phía Tây của thành phố, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố cũng như kéo giảm ùn tắc giao thông cho khu vực trung tâm thành phố.
Tương tự, hạng mục hầm chui rẽ trái từ đường Võ Chí Công về cảng Cát Lái thuộc dự án Xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy, quận 2 sau khi đưa vào sử dụng đã góp phần giảm bớt giao cắt tại khu vực nút giao, giảm chiều dài dòng xe dừng chờ trên đường Võ Chí Công khi lưu thông qua vòng xoay Mỹ Thủy. Nhờ vậy, tình hình giao thông khu vực vòng xoay Mỹ Thủy đã được cải thiện.
Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả tích cực, các hầm chui vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, ít nhiều gây ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác công trình, đặc biệt là tại các hầm chui cho người đi bộ.
Đó là tình trạng buôn bán hàng rong trong và ngoài hầm còn diễn ra, hoặc một số người dân với tâm thế thích “đi nhanh về tắt” nên vẫn cố tình leo qua dải phân cách tim đường quốc lộ 1 chứ không muốn đi qua đường theo lối hầm Tân Tạo, mà không hiểu rằng băng qua đường theo lối hầm Tân Tạo chính là lựa chọn đúng nhất và an toàn nhất cho chính mình.
Những hành vi tụ tập buôn bán hàng rong trong và ngoài hầm chui hoặc hành vi qua đường theo kiểu “đi nhanh về tắt” ấy không những không an toàn cho chính bản thân người dân, làm xấu hình ảnh mỹ quan đô thị mà còn gây mất trật tự an toàn giao thông tại khu vực.
Tâm thế muốn “đi nhanh về tắt” bất chấp Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận người dân phản ánh rõ nét, dễ thấy trong giao thông đi lại trên đường bộ tại thành phố. Đó là tình trạng chạy xe lên vỉa hè, đi vào đường ngược chiều, cố băng qua giao lộ dù đèn tín hiệu giao thông đã chuyển sang màu đỏ…
Tâm thế đó được lặp lại tại các hầm chui, cầu vượt bởi vì một bộ phận người dân vẫn có suy nghĩ rằng đi theo hầm chui, cầu vượt sẽ lâu hơn, từ đó dẫn tới tâm lý không chuộng, thậm chí chê không muốn sử dụng hầm chui, cầu vượt mà quên rằng đó là cách tham gia giao thông an toàn nhất.