Halal - thị trường “vàng” của sản phẩm Việt

Với quy mô đạt hơn 10.000 tỷ USD trước năm 2028, Halal đang là thị trường tiềm năng mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang nhắm tới. Những lợi thế về nông sản, thực phẩm chế biến thuần Halal đang tạo ra những lợi thế giúp doanh nghiệp tăng tốc khi gia nhập và chinh phục người tiêu dùng tại các thị trường này.

Vinamilk gia tăng chương trình xúc tiến giao thương, quảng bá… tiếp cận sâu hơn ở nhóm thị trường Halal
Vinamilk gia tăng chương trình xúc tiến giao thương, quảng bá… tiếp cận sâu hơn ở nhóm thị trường Halal

"Săn" thị trường 10.000 tỷ USD

Nhìn nhận về tiềm năng thị trường thực phẩm Halal toàn cầu, nhiều doanh nghiệp cho rằng, tiềm năng rất lớn và đang ngày càng phát triển với tốc độ nhanh tại khắp các châu lục từ châu Á, Trung Đông, châu Phi, châu Âu và châu Mỹ. Nhu cầu về sản phẩm Halal gia tăng mạnh không chỉ vì sự tăng nhanh của dân số Hồi giáo, mà còn phản ánh xu hướng nhiều người không theo đạo Hồi ở những nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu… Theo đó, người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm Halal do đáp ứng các tiêu chuẩn cao về vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường.

NCT-Hình 04b.JPG
Thực phẩm chế biến là ngành sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (dây chuyền sản xuất sữa của Công ty cổ phần Vinamilk)

Thống kê Bộ Công thương cho thấy, thị trường thực phẩm Halal dành cho người Hồi giáo trên thế giới có quy mô rất lớn khi phục vụ khoảng 2 tỷ người Hồi giáo trên toàn thế giới. Quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu đạt tới 10.000 tỷ USD trước năm 2028. Thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal phân bổ rộng khắp trên thế giới, từ các nước Hồi giáo đến phi Hồi giáo. Riêng tại khu vực Đông Nam Á, Nam Á, Nam Thái Bình Dương – khu vực có vị trí địa lý gần với Việt Nam cũng được đánh giá là thị trường xuất khẩu tiềm năng đối với sản phẩm Halal. Bởi số dân theo đạo Hồi và sử dụng thực phẩm Halal khu vực này đạt khoảng 860 triệu người (chiếm 66% tổng số người Hồi giáo trên thế giới). Đây là địa bàn tiêu thụ thực phẩm Halal lớn nhất thế giới với khoảng 470 tỷ USD, trong đó Đông Nam Á là 230 tỷ USD, Nam Á – Nam Thái Bình Dương là 238 tỷ USD.

“Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông, thủy sản lớn trên thế giới, nằm ở vị trí địa lý gần những thị trường Halal lớn. Tuy nhiên, thực tế xuất nhập khẩu thực phẩm của các doanh nghiệp ta vào thị trường Halal mới chỉ là bước đầu khai phá. Mỗi năm, nước ta có khoảng 50 công ty được cấp chứng nhận Halal với các sản phẩm chủ yếu là hải sản, đồ uống, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, đồ ăn chay và dược phẩm. Nếu được tận dụng tốt, ngày càng có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vững vàng tham gia vào thị trường sản phẩm Halal”, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM khẳng định.

Đồng thuận về vấn đề này, đại diện Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết thêm, hiện tại các nhóm thị trường xuất khẩu Halal chiếm tỷ lệ gần 80% doanh số thị trường xuất khẩu của Vinamilk. Trong đó, có những nhóm thị trường có tăng trưởng cao về tỷ lệ lẫn giá trị, thậm chí có thị trường ước tính giai đoạn 2024 so với cùng kỳ tăng hơn 70%. Nhóm sản phẩm sữa bột (sữa bột công thức, sữa bột đặc trị dành cho trẻ em và người lớn), bột dinh dưỡng, sữa đặc đang là những dòng sản phẩm lợi thế mà Vinamilk đang xuất khẩu. Bên cạnh đó Vinamilk cũng đang tập trung để mở rộng và phát triển thêm một số dòng sản phẩm có thế mạnh mà công ty đang sở hữu như Non-dairy, sữa chua uống men sống (Probiotic drink).

Áp dụng chiến lược “may - đo” cho thị trường Halal

Chia sẻ thêm chiến lược phát triển của mình, Vinamilk nhận định Halal là nhóm thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm và chiếm tỷ trọng cao. Do đó, chứng nhận Halal được xem là bắt buộc, được tính là “vé khởi hành” đầu tiên của chặng đường chinh phục người tiêu dùng ở khu vực này. Hiện tại, các nhóm sản phẩm mà Vinamilk đang sản xuất được đánh giá có nguồn gốc thuần Halal. Mặt khác, thương hiệu sản phẩm của Vinamilk đã xuất hiện lâu ở nhóm thị trường này nên có độ nhận diện cao và chiếm được sự yêu thích của khách hàng. Phát huy lợi thế này, Vinamilk đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như thiết kế lại bao bì, hương vị, các chương trình xúc tiến giao thương, quảng bá… tiếp cận sâu hơn ở nhóm thị trường Halal. Công ty nhận định rằng, việc áp dụng chiến lược “may - đo” ở từng nhóm thị trường, nhất là những thị trường có bản sắc, văn hóa đặc trưng sẽ giúp thương hiệu chinh phục được nhiều khách hàng hơn.

Xuất khẩu-1b.JPG
Vinamilk gia tăng chương trình xúc tiến giao thương, quảng bá… tiếp cận sâu hơn ở nhóm thị trường Halal

Bà Lý Kim Chi cho rằng, cùng với những cơ hội trên, các doanh nghiệp cần thấy rằng, các tiêu chuẩn và quy định Halal đang ngày càng nghiêm ngặt. Chứng nhận Halal lại không có giá trị vĩnh viễn, không được công nhận như nhau ở tất cả các quốc gia, với tất cả mặt hàng. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp vì phải tái chứng nhận nhiều lần và phải căn cứ vào từng thị trường xuất khẩu để đăng ký chứng nhận cho phù hợp. Tuy nhiên, đây là điều kiện bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn gia nhập sân chơi lớn này.

“Hiện tại Vinamilk đang sở hữu hơn 10 các tiêu chuẩn về các sản phẩm bao gồm ISO, FSSC, BRC, Organic…, các tiêu chuẩn này với tiêu chuẩn Halal đang giúp Vinamilk chinh phục hơn 62 quốc gia và vùng lãnh thổ với nhiều nhóm sản phẩm xuất khẩu”, đại diện Vinamilk nói thêm.

Trung tâm Xúc tiến Thương mại và đầu tư Thành phố (ITPC) cho biết, sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, là đầu mối tiếp nhận và hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thành phố. Từ đó, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương mở rộng thị trường, nhất là thị trường tiềm năng Halal.

Tin cùng chuyên mục