Trả nợ Hạc Hải
Nông dân Nguyễn Công Xuân (50 tuổi) học hết lớp 12 thì ở nhà bươn chải kiếm sống. Ông lấy vợ là chị Đỗ Thị Hoa (48 tuổi). Cả hai ra ở riêng năm 1997, không vốn liếng, họ bàn nhau lấy vùng Cửa Rào ở phá Hạc Hải quây lại chừng 10ha làm lúa, nuôi trồng thủy hải sản. Một thời nơi đây chim trắng đồng ruộng nên họ lấy nghề buôn bán chim vùng đầm phá làm kế sinh nhai.
“Nghề buôn bán chim ở phá Hạc Hải nhanh giàu lắm, có ngày lãi đến 7 triệu đồng. Chim đánh xong gửi thương lái đi Hà Nội, bao nhiêu cũng hết, nhưng dần dà từng đàn chim ít đi, thấy có lỗi với đầm phá. Đêm nghe tiếng cò, tiếng vạc con kêu thất thanh mất mẹ nên tôi bàn với vợ làm sao nghỉ nghề cho bớt mang nợ với tự nhiên. May là vợ nghe xong thì lại mừng, chấp nhận ăn cực ăn khổ để bảo vệ những đàn chim”, ông Xuân kể.
Chị Đỗ Thị Hoa tiết lộ: “5 năm trước, cứ mỗi chuyến bán chim cho thương lái, nhìn lũ chim trời đủ loại được người ta nhét vào trong lồng rồi chất lên xe, ánh mắt chúng như trách móc. Vậy là chúng tôi quyết phải tìm kế sinh nhai khác. Vợ chồng tôi mua tôm, cá về thả, còn chim về vùng ruộng tuyệt đối không cho ai đến đánh bắt, đi chợ thấy đôi chim nào còn sống liền mua về thả...nên bây giờ chim tề tựu về nhiều lắm”.
Cuộc sống của vợ chồng nông dân bảo vệ chim trời ở phá Hạc Hải tuy không rủng rỉnh tiền như trước đây, nhưng theo vợ chồng họ thì vô cùng thanh thản, thoải mái bởi được trả một phần "nợ" của ngày trước.
Chuyên gia bảo tồn động thực vật hoang dã FFI Nguyễn Văn Lương đã thốt lên: “Đó là hành động đẹp vì môi trường, vì tự nhiên, vì các loài chim vùng đầm phá này. Anh Xuân chị Hoa xứng đáng trở thành những nhà bảo tồn ở chính quê hương họ cho các đàn chim ngày mỗi phát triển hơn”.
Cùng đó, ông Võ Xuân Hòa, Chủ tịch UBND xã Hoa Thủy nói: “Vợ chồng anh Xuân là tấm gương cho bà con cùng nhau bảo vệ đàn chim trời ở Hạc Hải, họ chọn con đường không buôn bán chim hoang dã, giữ chúng ngoài tự nhiên sông nước là một cử chỉ đẹp vì môi trường”.
Bỏ tiền triệu làm sân chim
5 năm chăm chim trời với vợ chồng ông Xuân không phải là dài, nhưng cũng đủ lâu để biết tập tính của từng loại chim, từ cò, diệc, vạc, sâm cầm, bồng bồng, le le, sếu, đến vịt trời, gà nước… Ban đầu hai vợ chồng bàn nhau trồng thêm cây, bảo vệ hệ thực vật cỏ ống của phá Hạc Hải trên bờ đê nhằm tạo sân cho chim an toàn.
“Thiên tai đi qua, tôi động viên vợ tiếp tục bảo vệ đàn chim trời, trước mắt phục hồi rừng cỏ ống, sau đó thu gom cây xanh trồng tiếp, không thể bỏ cuộc”, ông Xuân tâm sự.
Bây giờ, gia đình ông Xuân đang chuẩn bị đưa cây sung giống và lộc vừng ra trồng. Theo ông Xuân, việc đầu tư cũng phải ngót nghét 200 triệu đồng mới tạo được vành đai cây xanh cho nhiều thế hệ chim. Bây giờ, mỗi khi đêm xuống đã không còn nghe tiếng thất thanh của những con chim bị đánh bẫy, thay vào đó tiếng chim cúc nhau về tổ. Hai vợ chồng ông nói sẽ bảo vệ điều này cho đến khi nào hết sức làm việc.
Ông Lê Vĩnh Thế, Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy cho biết, ông đã đến thăm sân chim của vợ chồng nông dân có tấm lòng yêu thiên nhiên phá Hạc Hải và thấy họ là người giác ngộ được việc bảo vệ môi trường. Đó là những nông dân có tình nghĩa, nhân văn, góp sức chống biến đổi khí hậu đang ngày càng khắc nghiệt.