Hải Vân Quan được công nhận Di tích Lịch sử và kiến trúc nghệ thuật
SGGPO
Chiều 24-5, tại đỉnh đèo Hải Vân, UBND TP Đà Nẵng và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức lễ công bố quyết định và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia và Di tích Lịch sử kiến trúc nghệ thuật đối với di tích Hải Vân Quan.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và UBND TP Đà Nẵng thống nhất các nội dung, phương án để tiến hành các thủ tục lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích Hải Vân Quan. Ngày 14-4-2017, Hải Vân Quan đã được Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL xếp hạng Di tích Lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia tại Quyết định số 153 l/QĐ-BVHTTDL.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đặng Việt Dũng, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng kiêm Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: vì nhiều lý do, cả khách quan lẫn chủ quan, lâu nay di tích Hải Vân Quan chưa được quan tâm quản lý, bảo vệ và xuống cấp trầm trọng. Bức xúc trước thực trạng này, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng chỉ đạo ngành Văn hóa - Thể thao hai địa phương phối hợp làm hồ sơ trình Bộ VH-TT-DL xin xếp hạng di tích cấp quốc gia, thể hiện trách nhiệm của hai địa phương đối với một di sản quan trọng của tiền nhân để lại. Khi Hải Vân Quan được xếp hạng di tích cấp quốc gia, hai địa phương có cơ sở pháp lý để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích.
UBND TP Đà Nẵng sẽ chỉ đạo các ban ngành, địa phương chấp hành nghiêm túc Luật Di sản Văn hóa, phối hợp với các sở, ngành, địa phương của tỉnh Thừa Thiên - Huế xây dựng quy chế quản lý, bảo vệ, xây dụng nhằm phục hồi, tôn tạo và phát huy giá trị di sản Hải Vân Quan.
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đặng Thị Bích Liên trao Bằng công nhận Di tích Quốc gia và Di tích Lịch sử kiến trúc nghệ thuật đối với di tích Hải Vân Quan. Ảnh: NGUYÊN KHÔI
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đặng Thị Bích Liên, cho biết: Trong lịch sử dân tộc, từ khi cha ông ta mở cõi vào phía Nam thì Hải Vân Quan thực sự trở thành một gạch nối hết sức quan trọng trên con đường thiên lý Bắc - Nam. Vị trí xung yếu này là mối quan tâm đặc biệt đối với nhiều triều đại, nơi đây được đánh giá là một vị trí chiến lược cần phải khống chế để tập kết quân đội, đặt đồn kiểm soát cả đường bộ lẫn đường thủy. Đặc biệt, Triều Nguyễn đã đưa vị thế của Hải Vân Quan lên một tầm cao mới trong việc biến nơi đây trở thành một pháo đài quân sự, một cứ điểm phòng thủ từ xa hữu hiệu trong hệ thống phòng thủ quanh Kinh đô Huế… Các công trình và các vết tích còn lại của Hải Vân Quan được xây dựng trên độ cao 490m của ngọn Hải Vân hùng vĩ với tư cách là một công trình kiến trúc thành lũy quân sự đã chứng minh đây thực sự là một trong những quan ải hùng tráng nhất ở Việt Nam.
Hải Vân Quan tọa lạc trên núi Hải Vân thuộc địa giới hành chính của thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng).
Đây là cửa ải quan trọng trấn giữ đường thiên lý Bắc - Nam có từ thời Lê. Đến triều Nguyễn, năm 1826, vua Minh Mạng cho xây dựng Hải Vân Quan thành một trong những tổ hợp công trình để phòng thủ cho Kinh đô Huế cũng như giám sát các hoạt động ở cửa biển Đà Nẵng.
Công trình này chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa lịch sử, và cũng là thắng cảnh nổi tiếng, góp phần vào sự phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh Thừa Thiên - Huế, TP Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung. Hải Vân Quan sẽ là mắt xích quan trọng nối kết hai vùng du lịch Bắc và Nam Trung bộ.
Video clip: Hải Vân Quan được xếp hạng Di tích quốc gia và Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật. Thực hiện: NGUYÊN KHÔI