1. Rải rác trong một số đầu sách đã xuất bản trước đây như Bắt đầu bằng để lại, Chuyện gái trai, Ký ức về nước mắt và tiếng cười…, nhà báo Dương Thành Truyền (còn có bút danh khác là Duyên Trường) đã từng viết, bàn luận về ngôn ngữ, về tiếng Việt. Nhưng phải đến Tình ca tiếng nước ta, anh mới thực sự toàn tâm toàn ý và hết lòng với “tiếng nước ta” theo tâm niệm: “Được nói lên tiếng nói tạc lòng tạc dạ đến nguồn cội giống nòi, đến hồn thiêng sông núi, đến vô hạn những con người, xưa và nay, đã và đang sinh dưỡng cho tiếng mẹ ta không ngừng phát triển trên hành trình dân tộc, vinh quang và hào hùng”.
Tình ca tiếng nước ta dày hơn 400 trang, được chia làm 2 chương: Riêng một góc trời và Biên bản từ cuộc sống. Tất cả đều cho thấy một thái độ lao động cần mẫn, tỉ mẩn và nghiêm túc của Dương Thành Truyền với chữ nghĩa. Anh nhặt nhạnh, tìm kiếm và đôi khi “chơi” vui với chữ từ kho kiến thức Đông Tây kim cổ để tìm ra quy luật của chuyện Can - Chi: vừa là văn hóa vừa ra ngôn từ. Ngôn ngữ không đứng yên một chỗ, chưa kể tiếng Việt là ngôn ngữ có thanh điệu đã tạo nên tiếng nói có sự du dương, bổng trầm. Bên cạnh chữ nôm thuần túy, còn có những chữ gốc Hán đã tạo nên sự phong phú, giàu có và cũng vô cùng thú vị cho tiếng Việt. Tình ca tiếng nước ta giống như một bản giao hưởng mà ở đó tác giả đóng vai trò như một nhạc trưởng, nhẹ nhàng giơ lên chiếc đũa nhỏ nhắn để “gọi” chữ. Nhờ đó, bạn đọc sẽ thấy được việc dụng chữ của người xưa và người nay thật linh hoạt và đa dạng: đố vui, câu đối, nói lái, nói ngược, hay dùng các mẫu tự để gọi tên cho các sự vật, sự việc, địa danh, trong cách đặt tên người, trong ván bài tiến lên, trong bộ môn cầu lông… Mới thấy, ngôn ngữ không ở đâu xa, mà như chia sẻ của tác giả là: “Từ báo đến sách, từ phát thanh đến truyền hình, từ văn bản hành chính đến thông điệp quảng cáo, từ tiếng nói sân khấu đến ca từ trong ca khúc, từ phát biểu nghị trường đến bình luận thể thao, từ lời ăn tiếng nói hàng ngày đến những cuộc đấu khẩu bên bàn nhậu, sân tập, chiếu bạc, ván cờ…, đâu đâu cũng cho ta cơ hội nhận ra vẻ đẹp, sự đặc sắc và sức mạnh diễn đạt của tiếng Việt, của văn hóa Việt”.
2. Không đi theo lối nghiêm cẩn, hàn lâm để luận bàn về tiếng Việt, với Tiếng Việt lắt léo và lịch lãm, nhà thơ Lê Minh Quốc lựa chọn lối viết hài hước, dí dỏm và không kém phần duyên dáng. Hẳn có người sẽ cho rằng cách viết của anh có vẻ “dài dòng văn tự”, lan man, nhưng thực ra đó lại là phong cách mang đậm dấu ấn Lê Minh Quốc, từng được thể hiện qua những ấn phẩm trước đây như: Lắt léo tiếng Việt, hay bộ sách Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt với 3 cuốn Dích dắc dập dìu dư dí dỏm, Chơi chữ chanh chua chan chát chữ và Lưỡi lươn lẹo lẹ làng lắt léo…
Ấn phẩm Tiếng Việt lắt léo và lịch lãm lần này cũng vậy, nếu độc giả đủ kiên nhẫn, bỏ qua những tiểu tiết sẽ khám phá và tìm thấy nhiều điều thú vị xung quanh câu chuyện về ngôn ngữ. Sách được chia thành 4 phần: Ăn theo thuở, ở theo thời; Nhập gia tùy tục; Rào rú ngái ngôi mô nỏ chộ và Rành sáu câu… mút mùa lệ thủy. Qua 300 trang, nhà thơ Lê Minh Quốc cho bạn đọc thấy được sự biến hóa khôn lường của ngôn ngữ Việt mà có lẽ ít quốc gia nào có được. Chẳng hạn, mượn tên sách Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy của nhà văn Lê Văn Nghĩa và Những đứa trẻ mắc zịch của nhà văn Trần Nhã Thụy, anh như đang “chiêu đãi” bạn đọc một bữa tiệc ngôn từ, để cùng khám phá ngữ nghĩa của hàng loạt từ ngữ: nhà ảo thuật, tổ trác, tổ đãi, mắc zịch, đến những từ thời thượng bấy giờ như thế giới ảo, ảo tung chảo…
Trong những đối tượng được khảo sát, Lê Minh Quốc đặc biệt ưu ái văn chương bình dân, đặc biệt là ca dao, tục ngữ. Theo anh, chúng lưu giữ “dấu vết văn hóa ngàn năm của người Việt”, là những “viên ngọc còn tồn tại muôn đời” nên được anh lấy làm chuẩn, làm mẫu mực khi sử dụng làm văn liệu dẫn chứng cho một từ nào đó. Và như vậy, lạc bước vào Tiếng Việt lắt léo và lịch lãm, bạn đọc còn thấy được cái tình của người xưa gửi gắm trong lời ăn tiếng nói, trong những câu ca dao, tục ngữ vẫn còn lưu truyền đến tận ngày nay.
Tủ sách Tiếng Việt giàu đẹp được NXB Trẻ thực hiện từ đầu những năm 2000 với sự tham gia của những giáo sư đầu ngành ngôn ngữ học từ Bắc vào Nam, như cố GS Hoàng Tuệ, GS Nguyễn Đức Dân, GS Trịnh Sâm, nhà nghiên cứu Trần Huiền Ân… Nhiều ấn phẩm trong tủ sách này đã được bạn đọc đón nhận tích cực như Từ câu sai đến câu hay; Nỗi oan thì, mà, là; Cuộc sống ở trong ngôn ngữ; Ăn uống nói cười và khóc…