Thiên thượng đồ là bức tranh thờ cuộn trục khổ dọc, dài 13m và rộng 26cm, được vẽ bằng màu tự nhiên trên giấy dó, có niên đại khoảng đầu thế kỷ XX. Đây là loại tranh cầu dài hiếm gặp, với bố cục chặt chẽ, nét vẽ thanh thoát và màu sắc tươi sáng, mô tả các tầng không gian từ địa ngục đến thiên giới. Bức tranh mang giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật cao. Bức thứ hai, Cung nghênh Phật giá, cũng là tranh thờ cuộn trục khổ dọc, hình vẽ đẹp, màu sắc tươi sáng, mô tả cảnh người dân đón chào các đức Phật.
Nhà sưu tập Phạm Đức Sĩ chia sẻ: "Tôi yêu thích sưu tập tranh thờ từ những năm 2000 và đã có bộ sưu tập phong phú. Khi biết Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cần hai bức tranh này để bổ sung cho sưu tập tranh dân gian, tôi quyết định trao tặng với mong muốn chúng được gìn giữ và phát huy giá trị đến đông đảo công chúng".
Theo nhà nghiên cứu tranh dân gian Phan Ngọc Khuê, Thiên thượng đồ mang ý nghĩa tiễn người đã khuất về trời, còn Cung nghênh Phật giá tượng trưng cho việc đón Phật xuống trần. "Hai bức tranh là bách khoa toàn thư về thế giới tâm linh của người Sán Dìu, giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về đời sống văn hóa, tín ngưỡng của họ", ông Khuê nhấn mạnh.
Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật, ông Nguyễn Anh Minh, bày tỏ sự trân trọng đối với nghĩa cử của nhà sưu tập: "Đây là hai tác phẩm có giá trị đặc biệt cao, đặc biệt là bức Thiên thượng đồ dài tới 13m, một tác phẩm hiếm có bổ sung vào sưu tập tranh dân gian của bảo tàng. Chúng tôi cam kết lưu giữ và phát huy giá trị hai bức tranh cổ này, đồng thời sẽ trưng bày để công chúng yêu nghệ thuật thưởng lãm".
Việc tiếp nhận hai tác phẩm không chỉ làm phong phú thêm kho tàng mỹ thuật dân gian của bảo tàng mà còn là cơ hội để khẳng định giá trị văn hóa, tâm linh sâu sắc của dân tộc Việt Nam thông qua nghệ thuật.