Đó là PGS.TS.BS Trần Vân Khánh, Trưởng bộ môn Bệnh học phân tử, trường Đại học Y Hà Nội và PGS.TS Đinh Thị Bích Lân, Giảng viên cao cấp, Viên Công nghệ sinh học, trường Đại học Huế.
PGS.TS.BS Trần Vân Khánh, sinh năm 1973, là nhà khoa học chuyên nghiên cứu về các bệnh liên quan đến gen. Trong đó, thành tựu đáng chú ý là công trình chẩn đoán trước sinh một số bệnh lý di truyền và người mang gen.
Đến nay, Bs Trần Vân Khánh đã chẩn đoán bằng kỹ thuật gen cho hơn 1.000 bệnh nhân và các thành viên gia đình, phát hiện được người lành mang gen bệnh.
Với kết quả đạt được, bản đồ đột biến gen của một số bệnh lý trên bệnh nhân Việt Nam đã bước đầu được công bố.
Việc chẩn đoán sàng lọc sớm sẽ đảm bảo hầu hết các trẻ sinh ra không mắc các bệnh lý di truyền với chi phí chỉ bằng 1/2 - 1/3 so với chi phí thực hiện ở nước ngoài.
Đặc biệt, BS Trần Vân Khánh đã có nhiều nghiên cứu và thành công bước đầu trong việc điều trị bệnh lý ung thư, áp dụng tốt trong việc điều trị tại Bệnh viện K Trung ương, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu.
Trong thời gian vừa qua, Bs Vân cũng đã tìm nguồn tài trợ xét nghiệm gen cho 500 bệnh nhân nghèo.
Cùng nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 2017, PGS.TS Đinh Thị Bích Lân, sinh năm 1960 lại chuyên nghiên cứu các sản phẩm công nghệ có tính ứng dụng cao như các loại que thử chẩn đoán nhanh các bệnh truyền nhiễm cho các vật nuôi, các loại vaccinen tái tổ hợp, chế phẩm sinh học giúp phòng một số loại bệnh gia súc giúp nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Hầu hết các kết quả nghiên cứu của chị đã được chuyển giao cho địa phương thông qua các dự án sản xuất thử nghiệm, chuyển giao công nghệ. Sắp tới, các kết quả nghiên cứu của chị sẽ được sản xuất rộng rãi cung cấp cho thị trường.