Buổi giám sát diễn ra sau khi HĐND TPHCM đã giám sát trực tiếp ở 18 đơn vị và khảo sát thực tế 20 dự án. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Chiều 15-6, HĐND TPHCM đã giám sát việc thực hiện công tác đầu tư công giai đoạn 2021-2025 đối với UBND TPHCM. Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM làm trưởng đoàn giám sát.
Gần 200 dự án vi phạm thời gian quyết toán
Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Văn Dũng cho biết, thực hiện chương trình giám sát của HĐND TPHCM, trong ba tháng qua, HĐND TPHCM đã giám sát tại 18 đơn vị, sở ngành quận huyện, ban quản lý dự án, cơ quan chủ quản, chủ đầu tư các dự án và khảo sát thực tế 20 dự án đầu tư công. Qua đó, ghi nhận một số khó khăn, hạn chế và các kiến nghị đề xuất.
Qua khảo sát thực tế 20 dự án đầu tư công, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM Lê Trương Hải Hiếu cho biết, một trong những khó khăn là công tác thanh quyết toán. Nhiều dự án hoàn thành từ kỳ trung hạn trước đến nay vẫn đang thực hiện thanh quyết toán như dự án công trình thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn (Nam rạch Tra) và dự án công trình thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn huyện Củ Chi từ Tỉnh lộ 8 đến rạch Tra (Bắc rạch Tra).
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Văn Đạt, Phó Ban Pháp chế HĐND TPHCM sau khi bày tỏ lo lắng với 111 dự án có nguy cơ không hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025, cũng nêu băn khoăn về quyết toán các dự án đã hoàn thành.
ĐB Nguyễn Văn Đạt dẫn báo cáo của UBND TPHCM về tỷ lệ quyết toán rất thấp, năm 2021 có 2.208 dự án với giá trị 121.000 tỷ đồng, nhưng chỉ quyết toán được 923 dự án, đạt 41,8%; năm 2022 cũng chỉ đạt 59,63%.
ĐB Nguyễn Văn Đạt đặt câu hỏi tại buổi giám sát. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
ĐB phân tích, qua báo cáo có khoảng 200 dự án vi phạm về thời gian quyết toán. Việc này đặt ra trách nhiệm của UBND TPHCM trong chỉ đạo của sở ngành và chủ đầu tư. Bởi, chậm quyết toán dẫn đến nợ đọng trong xây dựng cơ bản, chậm tiến độ giải ngân đầu tư công, chậm khai thác tài sản hình thành sau đầu tư.
“Trong khi công tác này rất quan trọng, sao lại chậm? Việc xử lý các đơn vị vi phạm về quyết toán này như thế nào?”, ĐB Nguyễn Văn Đạt đặt câu hỏi.
Thay mặt UBND TPHCM báo cáo, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Phạm Trung Kiên lý giải, một số dự án đã nghiệm thu hoàn thành, đưa vào sử dụng nhưng còn vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng (người dân chưa đồng ý với mức giá bồi thường), do đó chủ đầu tư chưa thể lập hồ sơ quyết toán dự án.
Ngoài ra, trong năm, số dự án hoàn thành phát sinh nhiều, đồng thời có xảy ra tình trạng trong cùng một khoảng thời gian, số lượng dự án hoàn thành trình thẩm tra quyết toán gửi về cơ quan thẩm tra nhiều, nhưng do số lượng cán bộ công chức chuyên trách thẩm tra quyết toán có hạn, nên việc thẩm tra quyết toán có chậm trễ.
Bên cạnh đó là nguyên nhân chủ quan, một số chủ đầu tư chưa tập trung cho công tác quyết toán dự án hoàn thành, do đó số lượng hồ sơ chậm lập quyết toán hoàn thành còn nhiều.
Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Phạm Trung Kiên báo cáo trước đoàn giám sát. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Phối hợp chưa tốt, giải phóng mặt bằng chậm
Trước đó, báo cáo trước đoàn giám sát, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Phạm Trung Kiên cho biết, giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn ngân sách Trung ương giao cho TPHCM là hơn 33.000 tỷ đồng, trong đó đã phân bổ hơn 32.100 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách Thành phố là hơn 142.500 tỷ đồng, đã phân bổ chi tiết gần 140.000 tỷ đồng.
Hai năm qua, việc giải ngân chưa đạt như kỳ vọng, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh trong năm 2021 và những tác động từ xung đột quốc tế, khó khăn kinh tế chung của toàn cầu và cả nước. Trong đó, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng là một nguyên nhân lớn.
Qua giám sát và thực tiễn công việc chuyên môn, ĐB Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho rằng có hai vấn đề nổi lên trong công tác giải phóng mặt bằng. Đó là đơn vị tư vấn thẩm định giá, hiện số doanh nghiệp có chức năng tư vấn thẩm định giá rất hùng hậu, nhưng thực tế hoạt động đủ năng lực, điều kiện và có hoạt động thẩm định giá thực tế là đếm trên đầu ngón tay, dễ thì làm và khó thì từ chối. Có dự án thuê 20 lần mà không có đơn vị nào tham gia, rất bế tắc.
ĐB Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Theo ông, sở ngành cần tham mưu UBND TPHCM nghiên cứu đề xuất cơ chế cần thành lập các đơn vị tư vấn thẩm định giá của nhà nước.
“Hiện trong lĩnh vực công chứng, tư nhân và nhà nước cạnh tranh công bằng với nhau. Trong thi hành án thì có thừa phát lại của tư nhân. Còn tư vấn thẩm định giá, lĩnh vực này cũng nên có sự tham gia của khu vực nhà nước”, ĐB Trần Văn Bảy đặt vấn đề.
Vấn đề thứ 2, theo ĐB Trần Văn Bảy, là cơ cấu tổ chức, biên chế của Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng các quận huyện. Nhiều địa phương thành lập Ban này với lực lượng hùng hậu, nhưng sau đó, số dự án giảm xuống thì nhân lực cũng tản đi hết. Nhiều nơi cũng không có tiền để trả lương cho thành viên của Ban, vì là đơn vị tự chủ, hưởng 2% kinh phí bồi thường nên không có dự án thì không có tiền trả lương. Trong khi đây là việc khó, phải có kinh nghiệm thực tế mới có thể làm được.
ĐB cho rằng việc kiện toàn này sẽ rất cần thiết khi tới đây, TPHCM thực hiện các dự án lớn như cải tạo rạch Xuyên Tâm, xây dựng các tuyến cao tốc…
Tình hình giải ngân vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025:
(đơn vị: tỷ đồng)
Năm 2021 | Năm 2022 | Năm 2023 (tính đến 31-5) | ||||
Tổng số vốn | 19.721 | 61,1% | 26.635 | 71,3% | 9.230 | 13,5% |
Vốn trung ương | 9.230 | 34,8% | 1.548 | 62,44% | 6.487 | 43,3% |
Vốn địa phương | 18.680 | 63,82% | 25.086 | 71,9% | 2.742 | 5,1% |
Cũng liên quan công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, ĐB Huỳnh Thanh Hùng, Phó Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM đề cập việc chậm di dời hạ tầng kỹ thuật để thi công dự án. Trong đó có dự án xây dựng nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, phải chờ phê duyệt di dời hạ tầng hết 15 tháng, dẫn đến thi công chậm trễ. Từ đó ĐB đặt vấn đề về sự phối hợp giữa các cơ quan.
Cùng quan điểm về sự phối hợp giữa các cơ quan, ĐB Đỗ Thị Minh Quân, Chánh Văn phòng HĐND TPHCM cho biết, qua các buổi làm việc, sở ngành đề nghị cần xác định trách nhiệm của quận huyện những nơi ít quan tâm giải phóng mặt bằng. Nhưng thực tế đi giám sát thì quận huyện cho biết quá trình thực hiện công tác này đã có nhiều văn bản gửi sở ngành đề nghị hỗ trợ. Nghĩa là sự phối hợp giữa sở ngành, quận huyện trong giải phóng mặt bằng cần làm chặt chẽ hơn.
Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường khẳng định nỗ lực và quyết tâm của chính quyền TPHCM trong công tác đầu tư công. Trong đó, tập trung tháo gỡ các vướng mắc về giải phóng mặt bằng từ kinh nghiệm quý khi triển khai dự án Vành đai 3. Đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị chứ không chỉ riêng trách nhiệm của Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận, huyện.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường phát biểu. Ảnh HOÀNG HÙNG |
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ khẳng định, công tác đầu tư công là nhiệm vụ hết sức quan trọng, luôn được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các cấp lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm và tập trung chỉ đạo trong thời gian qua với quyết tâm chính trị cao.
Ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của tập thể lãnh đạo UBND TPHCM trong điều hành, tổ chức thực hiện công tác đầu tư công, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cũng chỉ ra một số hạn chế. Trong đó có việc chậm phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công năm 2022. Một số dự án có vướng mắc nhưng chậm được tháo gỡ, dẫn đến sau khi bố trí vốn không giải ngân được.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu kết luận. Ảnh HOÀNG HÙNG |
Công tác phối hợp giữa các sở, ngành, quận, huyện, các đơn vị chủ đầu tư còn chưa chặt chẽ, đồng bộ. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng ở các dự án đầu tư công còn chậm, dẫn tới phải điều chỉnh thời gian thực hiện, điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án so với chủ trương đầu tư được phê duyệt ban đầu.
Một số dự án thực hiện kéo dài qua 3 kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành, như dự án xây dựng cầu Nam Lý; dự án Xây dựng tuyến đường nối từ nút giao thông cầu Bà Chiêm đến Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 2...
Năm 2023 đã là năm thứ 3 của kỳ trung hạn, nhưng đến nay có 111 dự án chưa bố trí được 40% vốn trung hạn được giao. Bên cạnh đó, công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành còn chậm. Một số dự án tạm ứng kéo dài nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp thu hồi với tổng số dư tạm ứng là 1.215 tỷ đồng. Đặc biệt, công tác giải ngân vốn đầu tư công hàng năm của thành phố không đạt mục tiêu đề ra là 95%. Năm 2021, 73 dự án có tỷ lệ giải ngân thấp hơn 30%.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND TPHCM quan tâm một số nội dung. Trong đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai dự án đầu tư công. Đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức phải chủ động, thực sự vào cuộc tháo gỡ kịp thời vướng mắc. Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư. Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của 3 Tổ công tác của UBND TPHCM về đầu tư công.
Đồng thời tiếp tục chỉ đạo sớm xử lý dứt điểm vướng mắc đối với các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) đang thực hiện còn dở dang để sớm hoàn thành dự án và đưa vào khai thác sử dụng hiệu quả.
Đặc biệt, cần có giải pháp tăng cường tính công khai, minh bạch, chống lãng phí, tiêu cực trong công tác đầu tư công trên địa bàn thành phố. Tiếp tục phát huy vai trò của Ban giám sát đầu tư cộng đồng tham gia trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư công từ khi dự án khởi công đến khi hoàn thành dự án.