Hai mươi năm cứ tết đến là tôi ra đường

Sáng ngày mùng một, tôi ăn mặc chỉnh tề, khoác lên vai chiếc máy ảnh và lên đường. Ngay góc phố, tôi treo một tấm phông vẽ cảnh một ngôi nhà với mấy chậu bông hoa bao quanh cho thêm phần sinh động. Khách thích có thể đứng trước tấm phông đó để chụp ảnh.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Hai mươi tuổi, tôi bước chân vào nghề dạy học. Thời gian đó, đất nước mới hòa bình, thống nhất được năm năm, xã hội còn khó khăn. Những thầy cô giáo như tôi cũng vậy, không ít đồng nghiệp bỏ nghề tìm sang nơi có lợi ích vật chất nhiều hơn như thương nghiệp, lương thực, vận tải…Thấy tôi yêu mến nghề nghiệp của mình, ba tôi bàn với tôi việc cải thiện cuộc sống.

Theo đó, ba tôi sẽ dạy cho tôi biết kỹ thuật chụp ảnh để có thể tăng thu nhập, yên tâm theo đuổi nghề dạy học. Cả huyện chỉ còn hai hiệu ảnh. Bà con muốn có ảnh kỷ niệm phải đến hiệu mà thôi. Người lao động thu nhập thấp hay chỉ yêu cầu chụp vài tấm ảnh rất khó được cửa hiệu đáp ứng. Vậy sao không khai thác nhu cầu ấy?

Ba tôi cũng không qua trường lớp nào, ông chỉ học từ sách vở và bạn bè mà thôi. Thoạt đầu cũng chỉ để chụp cho vui nhưng nay thấy có thể kiếm tiền giúp đời sống bớt vất vả hơn. Những buổi học đầu tiên, lý thuyết và thực hành đi liền.

Cái tết năm 1980 thật đáng nhớ đối với tôi. Suốt quảng đời học sinh cho đến khi trở thành thầy giáo, tôi không hề biết đi chơi tết là gì. Những ngày đầu năm mới đó, tôi chỉ ở nhà cùng ba má hay theo ông bà đi lễ đình, chùa mà thôi. Tôi cũng không cùng bạn đến chơi những nơi trồng bông hoa nổi tiếng như vườn hồng Tư Tôn vang danh cả nước, dù hồi ấy lãnh đạo các cấp hay đưa khách trong và ngoài nước về thăm nơi đây. Lúc đó nói đến hoa kiểng, mọi người chỉ biết đến nơi này, chưa có khái niệm làng hoa Sa Đéc như ngày nay.

Mấy ngày trước đó, hai cha con tỉ mẫn dán mươi tấm ảnh gọi là ảnh mẫu chụp bông hoa, sông nước, trẻ em… lên một tấm bìa cứng rồi phủ một tấm nhựa trong lên trên, treo ngay chỗ tác nghiệp. Phía dưới tấm bìa có ghi rõ họ tên người chụp ảnh để bà con tiện liên hệ. Sáng ngày mùng một, tôi ăn mặc chỉnh tề, khoác lên vai chiếc máy ảnh và lên đường. Ngay góc phố, tôi treo một tấm phông vẽ cảnh một ngôi nhà với mấy chậu bông hoa bao quanh cho thêm phần sinh động. Khách thích có thể đứng trước tấm phông đó để chụp ảnh. Tôi còn chuẩn bị một chiếc ghế con bằng tre để cho mấy đứa trẻ ngồi vào đó chụp giống như vào hiệu ảnh.

Sang những năm sau, khách không còn mặn mà với kiểu ảnh chụp với chiếc phông giả tạo và đã phai màu kia, tôi nghĩ ra cách khác. Đó là giới thiệu cho khách những góc ảnh đẹp của ngôi chùa gần đó. Ngôi chùa này có trên trăm tuổi, phật tử và khách hành hương đến nhiều năm nhưng không mấy ai có ảnh kỷ niệm. Thế là, tôi bước vào hành trình đi tới đi lui theo chân khách viếng chùa để tìm cơ hội chụp ảnh.

Đầu những năm 90, vườn hồng Tư Tôn lai tạo thêm nhiều giống mới, kinh tế cả nước cũng như địa phương khởi sắc, nhu cầu về ảnh của bà con thay đổi. Không chỉ người ở địa phương mà cả du khách phương xa luôn mong muốn sau khi rời Sa Đéc, họ sẽ có những tấm ảnh đẹp để làm kỷ niệm.

picture1-3816.png
Tác giả ở vườn hồng Tư Tôn vào năm 1980

Vườn hồng Tư Tôn rộng có đến mấy ngàn mét vuông, hoa kiểng đa phần là các loại hồng nên gần như không có cây bóng mát cũng không có băng ghế nghỉ chân... Nhớ buổi đầu tiên đến đây chụp ảnh, tôi chỉ đội chiếc mũ vải lưỡi trai, hậu quả sau mới một ngày, khuôn mặt tôi rám nắng như vừa đi biển về. Vườn hồng rộng, tôi phải len lỏi trong các hàng bông hoa để chụp ảnh cho vừa lòng khách mà quên mất bao giờ hoa đẹp cũng có gai, hoa thơm bao giờ cũng thu hút sâu bọ nên tay chân mặt mày trầy trụa bị kích ứng ngứa không thôi.

Vì cuộc sống nên phải chịu, tự an ủi rằng mình làm đẹp cho người. Khi ánh nắng sắp tàn, tôi thu dọn đồ nghề ra về, lòng vui vì có thêm chút tiền giúp gia đình. Khi những ngày nghỉ tết kết thúc mọi người trở lại với công việc, tôi vẫn còn miệt mài với công đoạn chọn lọc, gởi phóng ảnh và giao ảnh cho khách chính xác đúng ngày hẹn. Bấy nhiêu khách là bấy nhiêu ảnh phải chờ giao cho hết, không để khách phiền hà. Kết thúc mùa chụp ảnh tết là hết tháng Giêng. Tự nhủ mọi người vui vẻ đón xuân còn mình nào biết có xuân là gì. May là gia đình thông cảm cho sự thiếu vắng trong cuộc đoàn viên hàng năm.

Nhiều năm sau, máy ảnh điện tử giá rẻ bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam. Các gia đình mua máy hay được người thân ở nước ngoài gởi tặng, khi đi chơi tết, họ mang máy theo và tự chụp lấy. Việc chụp ảnh của tôi trong mấy ngày tết bắt đầu ảnh hưởng, thu nhập dần giảm đi.

Cuối cùng, tôi quyết định giã từ nghề tay trái của tôi sau hai mươi năm không có mặt cùng người thân trong nhà ăn tết, dù có tiếc nuối.

Giờ đây nhìn cái cảnh ai ai cũng có điện thoại thông minh tự do chụp ảnh theo ý mình, không cần đến người thợ ảnh, tôi không khỏi bồi hồi vì những cái tết miệt mài kiếm sống. Lòng cảm ơn rằng nhờ đó mà tôi có thể theo đuổi nghề dạy học đến cùng. Tôi cũng tâm tư khi nhớ đến những người thợ ảnh làm đẹp cho mọi người khi xưa: Những người muôn năm cũ, Hồn ở đâu bây giờ?

NGUYỄN HỮU NHÂN

Địa chỉ: khóm Hòa Khánh, phường 2, TP Sa Đéc

Email: nhnhan1961@gmail.com

Tin cùng chuyên mục