Sáng 14-2, tiếp tục phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến tổng kết kỳ họp bất thường lần thứ 2 và thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Trình bày dự thảo báo cáo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, kỳ họp bất thường lần thứ 2 mặc dù diễn ra trong 4 ngày vào thời điểm ngay sau Tết Dương lịch và kỳ họp bất thường lần thứ 3 diễn ra trong nửa ngày sát Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, nhưng với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với những kết quả đạt được rất quan trọng.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo tại phiên họp |
Quốc hội đã xem xét, thông qua 1 luật, 3 nghị quyết và xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền. Các nội dung được Quốc hội xem xét, quyết định góp phần tháo gỡ kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và các năm tiếp theo.
Tại kỳ họp bất thường lần thứ 3, Quốc hội đã xem xét, quyết định việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.
Công tác nhân sự tại cả 2 kỳ họp được tiến hành thận trọng, chặt chẽ, thực hiện đúng chủ trương của Đảng, bảo đảm quy trình, thủ tục chặt chẽ theo quy định, đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, đạt được sự thống nhất cao của các vị đại biểu Quốc hội.
Thành công của 2 kỳ họp bất thường tiếp tục khẳng định bản lĩnh, quyết tâm chính trị của Quốc hội, UBTVQH trước những vấn đề cấp bách, cần xử lý ngay của đất nước, sự nỗ lực đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích của cử tri và nhân dân. Đồng thời thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn, xuyên suốt, kịp thời của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của toàn hệ thống chính trị; sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, khẩn trương của các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ và các cơ quan hữu quan; sự tích cực, chủ động, tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội; sự theo dõi, giám sát và chia sẻ của cử tri, nhân dân cả nước; sự tham gia, đưa tin kịp thời, chính xác của các cơ quan thông tấn, báo chí.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc gửi tài liệu đến đại biểu (ĐB) Quốc hội vẫn còn chậm, gây khó khăn cho ĐB trong việc nghiên cứu, góp ý; việc bố trí thời gian thảo luận nội dung về quy hoạch còn ít, nhiều ĐB đăng ký nhưng chưa được phát biểu; việc triển khai thử nghiệm giải pháp trực tiếp nhận dạng âm thanh ý kiến phát biểu của ĐB tại phiên thảo luận tổ vẫn còn hạn chế… Đây chính là vấn đề được nhiều ủy viên UBTVQH cho ý kiến. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, đây chính là nguyên nhân khiến Ủy ban Tài chính - Ngân sách chịu nhiều áp lực về thời gian tại kỳ họp bất thường lần thứ 2.
Đồng thời đề nghị các bộ, ngành nên nêu cao tinh thần chuẩn bị “từ sớm, từ xa”, có kế hoạch chuẩn bị nội dung rõ ràng, kỹ lưỡng, và hoàn thiện gửi các Ủy ban của Quốc hội sớm để kịp thời tổ chức phiên họp toàn thể, qua đó thẩm tra một cách đầy đủ, toàn diện đúng theo quy định.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp |
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương thẳng thắn: “Kỳ nào cũng có chuyện chậm gửi tài liệu với các lý do quen thuộc: vấn đề mới, khó, các địa phương báo cáo chậm, công việc nhiều và nguồn lực không đủ để làm. Tôi cho rằng các bộ, ngành phải có phản ứng linh hoạt, nghiên cứu thấu đáo hơn để đưa ra lý lẽ thuyết phục; phân tích đầy đủ nhiều chiều chứ đừng chỉ “ca ngợi” phương án chọn”.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, cần coi việc chuẩn bị tài liệu đầy đủ, đúng hạn là tiêu chí đánh giá năng lực chuyên môn, thậm chí là năng lực quan trọng số một của các bộ.
Bên cạnh đó, đề nghị Văn phòng Chính phủ bố trí thời gian cho Chính phủ thảo luận thấu đáo về xây dựng pháp luật, đảm bảo tiếp thu, giải trình hết các ý kiến khác nhau, trong đó cần chú trọng ý kiến của Bộ Tư pháp - đơn vị giúp Chính phủ thẩm định văn bản pháp luật. Không nên “né tránh” gửi tài liệu trong quá trình xây dựng pháp luật vì các cơ quan liên quan càng được tiếp cận tài liệu sớm thì càng có điều kiện để nghiên cứu kỹ, cân nhắc nhiều phương án và đưa ra lựa chọn tốt nhất có thể.
Kết luận nội dung này, Chủ tịch Vương Đình Huệ ghi nhận nỗ lực của Chính phủ trong công tác xây dựng pháp luật, song cho rằng “vẫn cần nỗ lực hơn nữa, nâng cao chất lượng hơn nữa”.
"Quá trình hoàn thiện, thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh rất vất vả, nếu không rút kinh nghiệm thì tới đây Luật Đất đai (sửa đổi) cũng rất dễ bị chậm" – Chủ tịch Quốc hội lo lắng.
Chủ tịch Quốc hội nói thêm: “Sửa Luật Đất đai mà cũng vận hành như Luật Khám chữa bệnh thì vất vả lắm, vì luật này khó hơn nhiều. Vậy nút thắt thể chế là gì? Chính sách hiện nay bất hợp lý thế nào? Hiện nay đã là giai đoạn sát sườn rồi, vì thế nên đi thẳng góp ý vào các điều luật, chứ không nên nói nhiều về nguyên tắc, mục tiêu xây dựng luật nữa".