Là vở kịch tiếng Anh với phụ đề tiếng Việt được trình diễn trên sân khấu trong nước, Lend Me A Tenor tiếp tục cho thấy nỗ lực nhằm đưa những tác phẩm đình đám của nước ngoài đến gần với khán giả. Tuy nhiên, những khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ vẫn là những rào cản nhất định để có thể chinh phục số đông người hâm mộ.
Lend Me A Tenor (tác giả Ken Ludwig) là vở hài kịch đã đoạt 3 giải thưởng Tony Awards và 4 giải Drama Desk Awards. Đây cũng là vở hài kịch Broadway đầu tiên được nhóm Dragonfly Theatre trình diễn tại Việt Nam.
Nội dung vở kịch khắc họa loạt tình huống hài hước xoay quanh giọng nam cao nổi tiếng thế giới Tito Merelli. Ngay trước một đêm diễn đã bán sạch vé, Tito vô tình bị đánh thuốc mê liều lượng cao và rơi vào giấc ngủ triền miên. Nhầm tưởng Tito đã chết, viên quản lý thuyết phục trợ lý đóng giả Tito để cứu vãn buổi trình diễn và cả sự nghiệp đang trên bờ vực thẳm. Mọi chuyện xuôi chèo mát mái cho đến khi Tito thật tỉnh lại. Tuy nhiên, sau đó là một chuỗi tình huống dí dỏm, bất ngờ và đầy kịch tính, đem đến cho khán giả những tràng cười bất tận.
Một cảnh trong vở Lend Me A Tenor
Lợi thế lớn nhất của ê kíp đó là có trong tay một kịch bản đã thành công với nhiều tình huống kịch thú vị, đủ sức gây cười cho khán giả. Điểm gây ấn tượng đầu tiên của tác phẩm là một sân khấu kép với hai bối cảnh được dàn dựng song song, khá chỉn chu về mặt thị giác cũng như tạo cảm xúc mới lạ.
Điều này những tưởng dễ nhưng thực ra là một thách thức không nhỏ trong diễn xuất của các diễn viên. Đôi khi chỉ là một cánh cửa ngăn cách nhưng họ phải thay đổi hoàn toàn tính cách, nét diễn để phù hợp với bối cảnh, đòi hỏi sự ứng biến linh hoạt.
Một điểm sáng khác cũng cần ghi nhận, đó là sự tương đối đồng đều và tương hỗ về mặt diễn xuất giữa các diễn viên. Vai Max - anh chàng đóng thế Tito bất đắc dĩ của David Delves được chú ý hơn cả.
Nét diễn của David toát lên vẻ tự nhiên khiến khán giả rất dễ đồng cảm. Tính cách nhân vật phức tạp, liên tục phải thay đổi của Max rõ ràng là thử thách không hề nhỏ đối với David, nhưng anh đã biết cách để giải bài toán khó đó khá trơn tru.
Nhưng David sẽ không thể thành công nếu không có sự tung hứng của các bạn diễn, dù trong số họ không phải ai cũng nhập vai như ý. Diễn viên Việt Nam duy nhất góp mặt trong vở kịch là Tân Vũ.
Đây cũng là lần đầu anh hợp tác cùng Dragonfly Theatre. Chỉ là vai phụ nhưng mỗi lần anh bước ra sân khấu đủ khiến khán giả không thể nhịn cười. Điều này không mấy ngạc nhiên, vì Tân Vũ từng có cơ hội tham gia rất nhiều vở kịch nổi tiếng trước đó.
Lend Me A Tenor tiếp tục sứ mệnh của Dragonfly Theatre (cũng là một vở kịch tiếng Anh), mang kịch nói tiếng Anh chuyên nghiệp đến với cộng đồng người nước ngoài sinh sống và làm việc tại TPHCM, cũng như khán giả Việt yêu thích loại hình này.
Vở kịch kết cấu đơn giản và dễ hiểu, nhưng cũng có trở ngại nhất định với khán giả có hạn chế về Anh ngữ (dù có phụ đề tiếng Việt). Vì vừa đọc thoại, vừa theo dõi diễn xuất của diễn viên sẽ làm phân tâm, khiến phần thưởng thức không thực sự trọn vẹn.
Bên cạnh đó, là vở hài kịch Broadway đầu tiên được dàn dựng tại Việt Nam nên công chúng trong nước còn những bỡ ngỡ do khác biệt về văn hóa. Một điều khá thú vị, vở kịch được dán mác 16+ (có một số cảnh nhạy cảm), được xử lý khá tinh tế, không gây phản cảm. Lend Me A Tenor có đối tượng công chúng nhất định, nhưng nếu muốn đại chúng hơn cần phải có thêm thời gian để khán giả làm quen, tiếp nhận.
Sau 3 suất diễn đầu tiên vào các ngày 24, 25 và 26-11, Lend Me A Tenor sẽ còn 3 đêm diễn trong các ngày 1, 2 và 3-12 tại Soul Live Project (216 Pasteur, quận 3, TPHCM).