Hài hòa nét đẹp ứng xử nơi công cộng

Câu chuyện về xót chó đánh người đến mức phải nhập viện những ngày qua nhận được nhiều chú ý. Bởi lâu nay, những vấn đề liên quan đến ứng xử văn hóa trong cộng đồng kiểu như thế vẫn cứ tồn tại, chung quy cũng chỉ liên quan đến ranh giới riêng - chung.
Mỗi người tự ý thức sẽ tạo nên văn hóa ứng xử đẹp ở chung cư
Mỗi người tự ý thức sẽ tạo nên văn hóa ứng xử đẹp ở chung cư

Nhìn ở một vấn đề cụ thể, chuyện nuôi chó mèo ở chung cư từng có không biết bao nhiêu tranh cãi, thậm chí là cả những cuộc “đại chiến”. Phe đồng tình viện dẫn đủ lý do, trước hết là tình yêu thương động vật và nó hoàn toàn không bị pháp luật ngăn cấm. Ở chiều ngược lại, những người không đồng tình có muôn vàn viện dẫn những hệ lụy từ việc nuôi thú cưng, nhất là ở chung cư, như vấn đề vệ sinh, tiếng ồn, an toàn… Và cuộc chiến ấy cho đến nay vẫn chưa đi đến hồi kết. Những xung đột về mặt lợi ích và ứng xử văn hóa trong cộng đồng, đặc biệt ở các khu chung cư tưởng chừng nhỏ, nhưng không ít trong số đó, chuyện bé lại… xé ra to theo cách không ai ngờ.

Trong các không gian chung cư có rất nhiều câu chuyện diễn ra như cơm bữa: gây mất trật tự, ồn ào, không giữ vệ sinh, chiếm đoạt không gian chung, hút thuốc, hay xả rác bừa bãi… Ngay cả trong phạm vi căn hộ mình đang sở hữu những tưởng là riêng biệt hoàn toàn, nhưng trong cái riêng đó, một vài hành động ngoài kiểm soát cũng trở thành vấn đề chung. Huống chi, những không gian như hành lang, cầu thang, lối đi, sân chơi… là của chung, câu chuyện ý thức càng phải được đề cao hơn.

Một hành vi bỏ rác chưa đúng nơi quy định có thể tạm xem là nhỏ. Vấn đề nhỏ ấy sẽ thành không có gì và biến mất nếu mỗi người tự ý thức hơn, thay vì chỉ thấy tiện cho mình. Nhưng nếu hành vi ấy mang tính cố ý, lặp lại, nó sẽ không còn là chuyện nhỏ. Và nếu nhà nào cũng như thế, nó đã thành chuyện lớn. Tương tự, một chiếc loa kẹo kéo với những cuộc vui karaoke, những bữa ăn nhậu nếu có sự tiết chế vừa đủ cả về mặt âm lượng, thời gian, nó sẽ khiến tất cả dĩ hòa vi quý. Chuyện nuôi thú cưng cũng thế, nếu như chủ nhân biết giữ gìn vệ sinh, không để ảnh hưởng đến hàng xóm, nhất là trẻ nhỏ.

Trong câu chuyện về văn hóa ứng xử cộng đồng ở các khu chung cư luôn có 2 vế để phải suy ngẫm, đó là quyền cá nhân và lợi ích chung. Chuyện nuôi thú cưng, hát karaoke, ăn uống, nhậu nhẹt… là quyền của mỗi người. Pháp luật hoàn toàn không có điều khoản nào cấm, nhưng khi quyền của người này xâm phạm hay ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của một người khác, hay rộng hơn là của cả cộng đồng, thì câu chuyện đã không còn của riêng ai. Pháp luật cũng có những quy định xử phạt về hành vi thả rông động vật, hay gây tiếng động lớn, ồn ào huyên náo. Tuy nhiên, ứng xử văn hóa có lẽ là cách giảm thiểu xung đột hiệu quả nhất.

Không ít người sẽ đặt ra câu hỏi, nếu người chủ của chú chó kia tự ý thức, ứng xử có chừng mực hơn, sự việc chắc chắn sẽ không bị đẩy đi quá xa. Trong câu chuyện ứng xử này, việc đặt bản thân vào vị trí của người đối diện sẽ khiến mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn. Xét cho cùng, ranh giới riêng - chung rất dễ bị vi phạm. Và trong không ít trường hợp, lâu ngày nó trở thành thói quen trong cách chúng ta ứng xử. Đừng chỉ nghĩ cuộc sống ở chung cư giống như chiếc hộp khép kín. Đã có rất nhiều câu chuyện đẹp, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, về sự sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau. Khi cùng mở lòng, người ta dễ tìm được tiếng nói cảm thông, để “chín bỏ làm mười”. Bài học về đối nhân xử thế “bán anh em xa, mua láng giềng gần” mà cha ông ta để lại vẫn luôn có ý nghĩa.

Tin cùng chuyên mục