Hài hòa lợi ích

Giá vé máy bay cao là câu chuyện thời sự thời gian qua, ngày một “nóng” hơn vào cao điểm đi lại dịp tết.

Giá vé cao trước hết ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của người dân - hành khách, là tác nhân trực tiếp khiến ngành du lịch điêu đứng mà báo chí phản ánh thời gian gần đây.

Cơ cấu vé máy bay hiện nay mà người tiêu dùng phải trả gồm khoảng 70% giá vé và 30% cho các loại thuế, phí khác. Theo đại diện một hãng hàng không, khoảng 65%- 80% giá vé máy bay sẽ dành cho chi phí xăng dầu, các chi phí cho hạ tầng mặt đất (dịch vụ điều hành bay đi, đến; hạ cất cánh tàu bay; phí đậu máy bay; giá thuê quầy check in, mặt bằng, kho bãi, soi chiếu, thuế…).

Nếu các chi phí đầu vào có thể giảm thì hãng bay sẽ cân đối chi phí để giảm giá vé. Tuy nhiên có thực tế, các hãng hàng không là lõi trung tâm nhưng luôn đối mặt với tình trạng lỗ lã, thiếu ổn định, trong khi các doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái như: cảng hàng không, cửa hàng, dịch vụ suất ăn, dịch vụ phục vụ mặt đất… thì hoạt động rất hiệu quả. Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SGN) báo cáo tài chính hợp nhất quý 3-2023 với lợi nhuận sau thuế là 72,3 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ năm 2022.

Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SAS) trong 9 tháng đầu năm nay lãi đậm nhất trong 4 năm qua, đạt doanh thu thuần 1.886 tỷ đồng, tăng 124% và lãi ròng 241 tỷ đồng, tăng 99% so với cùng kỳ. Góp phần cho lợi nhuận nói trên là các dịch vụ đồ ăn thức uống trong sân bay với giá “trên mây”, là phí xe ô tô ra vào sân bay bất hợp lý. Tất nhiên, hành khách phải gánh hết toàn bộ chi phí nói trên khi đi lại bằng đường hàng không.

Cần có sự vào cuộc của các ngành chức năng để rà soát, xóa bỏ những khoản thu không cần thiết trong tổng thành giá vé. Khi giá vé máy bay giảm sẽ kích cầu đi lại của người dân, kích cầu nền kinh tế.

Tin cùng chuyên mục