Ban ngày, có khi cả buổi tối, các xe ben chở đá quần thảo ngược xuôi chiếm gần hết lối đi của các phương tiện giao thông khác. Do tình trạng phóng nhanh vượt ẩu nên thường gây tai nạn giao thông, trong đó có nhiều vụ gây chết người làm người dân hết sức bức xúc.
Liên tiếp trong 2 năm 2016-2017, đã có trên dưới chục lần người dân dùng chướng ngại vật chặn đường không cho xe chở đá đi qua để bảo vệ an toàn tính mạng cho mình.
Từ ngày đường chuyên dùng song song với đường Đinh Quang Ân được đưa vào sử dụng, người dân đã thở phào nhẹ nhõm khi không còn đối mặt với hiểm nguy rình rập như trước.
Con đường chuyên dùng dài 7,4km, bao gồm 1 tuyến chính và 1 tuyến phụ có đầu tuyến giao với quốc lộ 51 (đoạn gần sân golf Long Thành), cuối tuyến nằm ở giữa khu vực của 10 mỏ đá Tân Cang, đi qua 2 xã Phước Tân và Tam Phước (TP Biên Hòa); nền rộng 9,5m, mặt đường rộng 7,5m (đường cấp 4 đồng bằng) có tổng mức đầu tư 130 tỷ đồng (giai đoạn 1), lưu lượng khoảng 18.000 lượt xe/ngày đêm, do Công ty CP Đầu tư An Thuận Phát - thành viên Công ty CP Đầu tư phát triển Cường Thuận (Đồng Nai) đầu tư theo hình thức BOT. Không chỉ người dân mà ngành giao thông tỉnh Đồng Nai cũng bớt đi nỗi lo của một điểm đen giao thông.
Lâu nay, khu vực Đồng Nai, Bình Dương được xem là nơi tập trung nhiều mỏ đá với chất lượng cao (phổ biến là đá xanh rắn chắc), trữ lượng lớn, thích hợp làm vật liệu xây dựng công trình hạ tầng giao thông lẫn làm mỹ nghệ từ đá.
Trong đó phải kể đến các khu vực như mỏ Tân Đông Hiệp, núi Lớn, núi Nhỏ (thị xã Dĩ An, Bình Dương), Tân Cang (TP Biên Hòa), Vĩnh Cửu, Châu Pha (huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu) nhưng hiện nay hầu hết chưa có đường chuyên dụng cho xe chở đá; luôn tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT cao, cùng với ô nhiễm môi trường vì đi qua khu dân cư làm người dân rất bức xúc.
Thời gian tới, khi có thêm nhiều dự án công trình đường bộ, đường sắt quy mô lớn được khởi công xây dựng, như đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Trảng Bom - Vũng Tàu thì khối lượng vận chuyển loại vật liệu xây dựng này sẽ càng tăng.
Do đó, các địa phương cần sớm quy hoạch, thi công hình thành các đường chuyên dùng cho xe chở đá - một loại hàng siêu trọng vừa đảm bảo ATGT vừa thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và đó cũng chính là cách làm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người dân, giúp khu vực Đông Nam bộ cân bằng giữa phát triển kinh tế và xã hội, hướng tới phát triển bền vững .