Về sự suy giảm mức tăng trưởng tín dụng trong tháng 7 vừa qua cũng được các chuyên gia nhìn nhận là không đáng lo ngại, bởi sau đợt tăng tốc “đổ tiền” mạnh vào nền kinh tế trong tháng 6, vốn tín dụng cần có một khoảng thời gian nhất định để hấp thụ dòng tiền phù hợp. Khi tín dụng nửa đầu tháng 8 đã tăng lên, tức nhu cầu hấp thụ vốn của các thành phần trong nền kinh tế đã phục hồi.
Động lực tăng trưởng tín dụng thời gian qua đến từ hoạt động sản xuất, xuất khẩu tích cực, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm. Thị trường bất động sản hồi phục dần từ quý 2-2024 cũng kéo theo tăng trưởng tín dụng các phân khúc cho vay doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, cho vay mua nhà.
Ngày 28-8, NHNN đã có văn bản thông báo, các tổ chức tín dụng (TCTD) có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu mà NHNN đã thông báo đầu năm 2024 sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng của các TCTD. Đây được xem là “chất xúc tác” từ phía NHNN cho các TCTD tiếp tục đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng hơn nữa để có thể “cán đích” mục tiêu mức 14%-15% trong những tháng còn lại của năm.
Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, động lực tăng trưởng tín dụng những tháng còn lại được kỳ vọng vào mùa tiêu dùng, sản xuất kinh doanh nửa cuối năm và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất (dự kiến trong tháng 9) sẽ hỗ trợ cho chính sách tiền tệ “đi ngược” thế giới của Việt Nam.
Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến lo ngại về bài toán sao cho hài hòa giữa tăng trưởng tín dụng với an toàn hệ thống. Bởi, tăng trưởng tín dụng 14%-15%/năm là thách thức lớn do tỷ lệ vốn tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức quá cao. Thêm nữa, tăng trưởng tín dụng được coi là một tiêu chí để làm cơ sở giao room tín dụng cho năm tiếp theo cũng sẽ gián tiếp khiến các ngân hàng cố gắng đẩy hết room tín dụng. Khi tăng trưởng phải “thỏa hiệp” bằng chất lượng tài sản thì mức tăng trưởng đó không bền vững, có thể dẫn đến bất ổn kinh tế, áp lực lạm phát cao và các vấn đề về nợ xấu tồn đọng khó xử lý hơn.
Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính, những con số tích cực về tổng trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước thời gian qua cho thấy, các doanh nghiệp trong nước đang rất cố gắng đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu để từ đó tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cũng như định hướng các mặt hàng trên thị trường thế giới. Điều này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ có nhu cầu vay vốn ngân hàng nhiều hơn để phục vụ các đơn hàng mở rộng sắp tới. Vị chuyên gia kinh tế này đánh giá, tăng trưởng tín dụng năm nay nếu đạt thấp hơn mục tiêu 15% cũng không quan trọng bằng việc dòng vốn chảy mạnh vào sản xuất kinh doanh và những lĩnh vực ưu tiên, tạo nền tảng cho tăng trưởng năm sau.