Hài hòa giữa ở và đi

Bộ Nội vụ cho biết, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023-2025 phải hoàn thành trước tháng 10-2024 để các địa phương kịp chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.

Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh (Ảnh minh họa)
Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh (Ảnh minh họa)

Cả nước có 54/63 đơn vị nằm trong diện phải sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Theo đó, có 49 đơn vị cấp huyện phải sắp xếp, dự kiến giảm 12-13 đơn vị cấp huyện. Số đơn vị cấp xã phải sắp xếp là 1.247, dự kiến giảm 624 đơn vị. Dự kiến số cán bộ không chuyên trách cấp xã dôi dư khoảng 21.700 người.

Mặc dù thời hạn chỉ còn hơn 3 tháng nữa để hoàn thành sắp xếp, nhưng hiện mới có 10 địa phương trình đề án lên Bộ Nội vụ tổ chức thẩm định và trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết để thực hiện sắp xếp. Giai đoạn này, 4 địa phương có số lượng sắp xếp rất lớn là Hải Phòng, Hà Nội, TPHCM, Nghệ An. Chính vì số lượng trụ sở, số cán bộ dôi dư rất lớn nên nhiều địa phương đang lo ngại điều này tạo ra áp lực lớn cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy, giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức. Bộ Nội vụ có những giải pháp riêng để xử lý, nhưng các địa phương vẫn phải căn cứ vào tình hình thực tiễn ở cơ sở để hài hòa lợi ích giữa người ở và người đi.

Để kịp thời hoàn thành sắp xếp đúng tiến độ đề ra, một giải pháp trước mắt có thể được các địa phương và Bộ Nội vụ cân nhắc là cần có kiến nghị với Trung ương sớm xử lý những vướng mắc về quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch đô thị ở các địa phương lớn, chịu tác động mạnh bởi quá trình sắp xếp. Những địa phương này thường có số lượng cán bộ dôi dư lớn, người đi, người ở nhiều, dễ dẫn đến tâm tư.

Các thành phố lớn cũng phải quyết liệt sắp xếp tổ chức, bộ máy, cán bộ, công chức sau khi được phê duyệt đề án sắp xếp để bộ máy chính quyền tại các xã, phường, thị trấn đi vào hoạt động bình thường, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị. Tất cả cán bộ, công chức tại những đơn vị thuộc địa phương sáp nhập đơn vị hành chính có thể nghiên cứu được giữ nguyên, hoạt động ổn định để không ảnh hưởng đến tâm tư, giải quyết kịp thời nguyện vọng của cán bộ, công chức, người lao động trong giai đoạn này. Sau đó, với cán bộ đủ tuổi nghỉ hưu, gần đến tuổi nghỉ hưu, các địa phương căn cứ quy định để cho họ nghỉ theo chế độ.

Cùng với đó, sắp xếp, điều động cán bộ đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn từ nơi thừa sang nơi thiếu trong cùng địa giới hành chính. Việc điều chuyển “nhẹ nhàng” đội ngũ cán bộ dôi dư giữa cơ quan này sang cơ quan khác vừa tránh được tâm tư, vừa hài hòa giữa người ở và người đi. Còn đối với các địa phương vùng cao, miền núi, cần trao quyền tự chủ mạnh hơn để địa phương chủ động các phương án như cơ cấu đội ngũ cán bộ, chủ động đấu giá tài sản dôi dư sau sắp xếp; hoặc Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể hơn.

Tin cùng chuyên mục