Ngày 22-1, tại Hòa Bình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức Hội thảo “Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi – Những góc nhìn đa chiều”. Hội thảo là một trong những hoạt động thực hiện Chương trình giám sát của UBTVQH về việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 – 2018.
Phát biểu tại cuộc hội thảo về hiệu quả của các chính sách giảm nghèo, nhiều đại biểu tham dự hội thảo khẳng định, nước ta đã cơ bản xóa đói và đang đẩy mạnh công cuộc giảm nghèo. Kể từ năm 2016, nước ta đã chuyển sang áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, kết hợp giữa thu nhập và tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản.
Chính sách giảm nghèo liên tục được hoàn thiện theo hướng tăng cường hỗ trợ người nghèo toàn diện, tập trung giảm nghèo cho đồng bào dân tộc, các vùng nghèo, huyện nghèo; cải cách chính sách theo hướng giảm dần các chương trình cho không sang hỗ trợ có điều kiện, hỗ trợ tín dụng, khuyến khích để người nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo, mở rộng đối tượng hỗ trợ cho các hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, tỷ lệ tái nghèo vẫn còn cao. Hệ thống chính sách giảm nghèo còn cồng kềnh, chồng chéo, phân tán và trùng lặp, văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách chưa kịp thời, thiếu đồng bộ, tính khả thi không cao.
Đáng lưu ý, theo nhiều đại biểu tham dự hội thảo, một số định hướng phát triển mới như tăng trưởng xanh, tăng trưởng bao trùm, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững sẽ có tác động tích cực trong dài hạn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn có thể tạo ra những bất lợi, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, đặc biệt là người nghèo và các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương khác, dẫn đến gia tăng bất bình đẳng. Sự phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, nhóm xã hội cũng làm gia tăng phân hóa giàu nghèo, xuất hiện các nhóm dễ tổn thương mới.
Các ý kiến đề nghị, tới đây, cần thực hiện chính sách hỗ trợ gắn liền với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng nhằm tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo. Bên cạnh việc duy trì, bổ sung một số chính sách hỗ trợ phù hợp đối với hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo; cần tăng cường các giải pháp chủ động hỗ trợ thông qua chính sách thị trường lao động (như vay vốn tín dụng, tăng cường đào tạo nghề, kết nối việc làm với nhóm hộ có sức lao động); bảo đảm cân đối nguồn lực và tăng nguồn lực đầu tư trung hạn của Nhà nước cho các chính sách, chương trình giảm nghèo…