Hai giai đoạn thực hiện gói kích thích kinh tế

Trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, nhiều hoạt động kinh tế bị đình trệ, gói kích thích kinh tế của Chính phủ trong lúc này là rất cần thiết. Thế nhưng phải rõ ràng về phương châm, mục tiêu, phương án thực thi và thủ tục xét duyệt, giải ngân.

Cần xác định phương châm xuyên suốt là giúp doanh nghiệp (DN), người dân giảm thiệt hại do dịch bệnh và kích thích đầu tư phát triển cho tương lai. Theo đó, mục tiêu của gói kích thích kinh tế cần chia thành 2 giai đoạn: trong thời gian diễn ra dịch và sau khi dịch có chiều hướng giảm. 

Sản xuất dầu ăn tại TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG


Giai đoạn 1: Hỗ trợ vượt khó

Trong giai đoạn đang diễn ra dịch (giai đoạn 1), các biện pháp khuyến khích đầu tư để tạo thêm việc làm sẽ khó mang lại hiệu quả, lúc này DN chỉ cần các giải pháp hỗ trợ để vượt qua khó khăn trước mắt. Do vậy, mục tiêu của giai đoạn 1 là giúp DN và người lao động vượt qua khó khăn trong thời gian diễn ra dịch bệnh.

Trong thời gian này, rủi ro chủ yếu là nguồn thu không đủ bù đắp chi phí cố định như thuê mặt bằng, nhà xưởng, chi phí tiền lương cố định và chi trả lãi vay đầu tư tài sản cố định… Để giúp DN giảm khó khăn trong giai đoạn này, gói kích thích kinh tế nhằm vào hỗ trợ chi phí lãi vay, bù lương cho người lao động (trường hợp DN chưa cắt giảm lao động) và hỗ trợ thu nhập cho những lao động mất việc làm. 

Các kiến nghị của DN về giảm thuế cần được suy tính thận trọng, bởi nhiều loại thuế được tính trên nguyên tắc lợi nhuận hoặc thu nhập cao. Trong thời gian diễn ra dịch bệnh mà DN vẫn có được đơn hàng sản xuất, kiếm được lợi nhuận để nộp thuế thì đây không phải là đối tượng cần hỗ trợ, mà trái lại họ phải đóng góp nhiều hơn để san sẻ cùng Chính phủ hỗ trợ cho những DN khác bị thiệt hại. Các khoản thuế, phí cố định khi miễn giảm cũng nên cân nhắc thận trọng, chỉ giảm đối với các nhóm ngành bị thiệt hại và ảnh hưởng rõ ràng.

Lao động bị mất việc làm trong thời gian dịch bệnh được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, cần hỗ trợ cho quỹ bảo hiểm thất nghiệp để chi trả. Bởi vì nguồn thu của quỹ bảo hiểm cũng bị giảm do DN cắt giảm lao động hàng loạt. Đối tượng ảnh hưởng lớn nhất là lao động thuộc khu vực phi chính thức, buôn bán nhỏ… phải đóng cửa theo yêu cầu của Chính phủ, chính quyền địa phương thì phải hỗ trợ để giúp họ ổn định cuộc sống.

Cần đặc biệt quan tâm đến giáo dục và đội ngũ giáo viên các cấp đang chịu ảnh hưởng trong thời gian diễn ra dịch bệnh. Các trường đầu tư nhiều cho phát triển bài giảng, cơ sở vật chất phục vụ cho học trực tuyến… là đối tượng cần được quan tâm và hỗ trợ. Một số đơn vị đào tạo giảm học phí cho người học nhưng vẫn phải trả lương cho giáo viên cũng cần được hỗ trợ. Chính phủ cần kích thích các đơn vị đào tạo hình thành nề nếp dạy trực tuyến cho tương lai thông qua việc hỗ trợ lần này.

Trong bối cảnh ngân sách eo hẹp như hiện nay, nếu gói kích thích được thực hiện thông qua việc tăng đầu tư các dự án công nhằm thu hút DN tham gia sẽ khó khả thi. Hơn nữa, cơ chế đầu tư công hiện nay còn khá phức tạp về thủ tục nên khó lòng thực hiện được ngay. Các gói kích thích đầu tư thông qua hỗ trợ lãi vay cho các dự án tư nhân cũng khó lòng phát huy hiệu ứng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang bị đóng băng giao dịch. Trong lúc này, DN rất e ngại đầu tư mới để mở rộng sản xuất kinh doanh nên dù có hỗ trợ lãi vay cho các dự án mới cũng chưa chắc kích thích được DN đầu tư.

Giai đoạn 2: Kích thích đầu tư phát triển

Khi dịch bệnh có xu hướng giảm rõ nét, cũng là lúc Chính phủ nên triển khai giai đoạn 2 của gói kích thích kinh tế. Với mục tiêu chính là kích thích DN mạnh dạn đầu tư phát triển và tạo công ăn việc làm cho người dân. Theo đó, gói kích thích kinh tế nên nhằm vào hỗ trợ một phần lãi vay, giảm thuế cho các dự án đầu tư tư nhân có tiềm năng phát triển và tạo nhiều công ăn việc làm trong tương lai. Đồng thời, tiếp tục tái cơ cấu hoạt động các tổ chức tín dụng theo hướng ưu tiên cho vay sản xuất và các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ mới. 

Khi dịch vừa kết thúc, chắc chắn DN sẽ tái cấu trúc toàn diện bởi môi trường kinh doanh có nhiều thay đổi. DN sẽ định vị lại chiến lược kinh doanh mới: lựa chọn phân khúc thị trường, sản phẩm, phương thức quản trị, hệ thống vận hành… Lúc đó, DN cần đến các nguồn tín dụng với chi phí thấp, cũng như cần các hỗ trợ về chi phí vận hành khác mới mạnh dạn đầu tư.

Việc đầu tư dài hạn của DN sau dịch bệnh cần được định hướng ngay từ lúc này. Các dự án đầu tư mới cần hướng đến đạt tiêu chuẩn quốc tế theo cam kết hội nhập về tiêu chuẩn chất lượng, môi trường, lao động. Do vậy, cần ưu tiên kích cầu thông qua các gói hỗ trợ tín dụng cho các dự án sản xuất nguyên liệu thay thế nhập khẩu, ứng dụng công nghệ mới trong quy trình sản xuất, thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, gói kích cầu tập trung vào đầu tư cho các dự án cung cấp nền tảng chuyển đổi số cho DN, xem đây là một cách để hỗ trợ DN. Đồng thời, thúc đẩy DN thực hiện chuyển đổi số thông qua gói kích thích DN chuyển đổi số trong thực hiện các giao dịch kinh doanh.

* Để chính sách sớm đi vào cuộc sống

Gói kích thích kinh tế cần được đi kèm với cơ chế đặc thù, không chịu sự chi phối bởi các quy định khác về thủ tục giải ngân. Cần đảm bảo xét duyệt và giải ngân nhanh chóng, đúng đối tượng. Đặc biệt là tránh tình trạng chính sách ban hành chỉ dừng lại ở chỉ thị, rồi sau đó mới chờ các quy định hướng dẫn. Muốn vậy, khi ban hành chính sách cần chi tiết về đối tượng thụ hưởng, quy trình xét duyệt, hồ sơ xét duyệt và đầu mối giải quyết các thủ tục. Khi triển khai các gói kích thích kinh tế, cần thành lập ban tư vấn xét duyệt hỗ trợ cho từng nhóm chương trình cụ thể; đẩy mạnh phân cấp xét duyệt giải ngân cho các đơn vị sát sao nhất với đối tượng thụ hưởng, phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương hoặc các chi nhánh tại địa phương đối với các cơ quan ngành dọc; thiết lập các kênh thông tin và tiếp nhận hồ sơ trực tuyến để xét duyệt nhanh cho các đối tượng thụ hưởng.


Tin cùng chuyên mục