1.
Dự án thứ nhất là Trung tâm giống hươu Việt Nam xây dựng trên diện tích gần 50ha thuộc địa bàn xã Sơn Quang và xã Sơn Lĩnh (huyện Hương Sơn) được Công ty CP Hươu giống Hương Sơn (thuộc Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh) đưa vào hoạt động từ tháng 5-2015.
Trong đó, giai đoạn 1 (2015-2016) được xây dựng trên diện tích 16ha, có tổng mức vốn đầu tư gần 40 tỷ đồng, tổng đàn là 1.000 con hươu giống; giai đoạn 2 (2017-2018) mở rộng khoảng 30ha với khoảng 5.000 - 10.000 con hươu, gồm nuôi tập trung và nuôi liên kết hộ gia đình.
Dự án này kỳ vọng sẽ góp phần khôi phục, bảo tồn và phát triển thương hiệu giống hươu Hương Sơn có chất lượng; nâng cao hiệu quả nghề nuôi hươu và tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn, cung cấp con giống và các dịch vụ chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi trên toàn quốc, sản xuất chế biến thực phẩm chức năng từ nhung hươu và các loại sản phẩm làm đẹp cao cấp chiết xuất từ hươu... Tuy nhiên, sau khi hoàn thành đi vào hoạt động đến nay, dự án này hầu như không có hiệu quả.
Ông Nguyễn Công Phước, Đội trưởng sản xuất của Trung tâm giống hươu Việt Nam, cho biết, hiện dự án có 4 nhà trú tạm thời, một chuồng khu điều trị gồm 6 ô chăm sóc… Với cơ sở hạ tầng như vậy chưa đủ và chưa đạt so với quy trình, vì thế chất lượng con hươu giống cũng như nhung hươu còn thua của người dân nuôi. Nhiều năm nay, trung tâm sử dụng 3ha được bàn giao làm khu vực chăn nuôi, chăm sóc, phòng bệnh, sinh sản, cắt nhung và trồng nguyên liệu.
Nhưng việc chăn nuôi liên tục bị thua lỗ vì thiếu đất để trồng nguyên liệu cung cấp thức ăn cho đàn hươu. Thức ăn cho hươu hầu như phải mua bên ngoài với chi phí rất cao. Do vậy, từ đàn hươu 150 con, đến nay trung tâm phải cắt giảm xuống còn khoảng 50 con và hoạt động cầm chừng.
Theo bà Nguyễn Thị Hà, Phó Tổng giám đốc Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, hiện dự án này đang gặp nhiều vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng làm chuồng trại nên dù quy hoạch đến gần 50ha nhưng hiện chỉ có 3ha đất được đưa vào sử dụng. Ngoài ra, hươu sao đang nằm trong danh mục động vật rừng thông thường chưa được bổ sung vào danh mục giống vật nuôi, dẫn đến các sản phẩm chế biến từ nhung hươu và hươu sao Hương Sơn bị hạn chế lưu thông mua bán, đặc biệt đối với các thị trường có giá trị cao như Mỹ và Nhật Bản…
Công ty đã có văn bản đề nghị các sở, ban ngành xem xét, giải quyết dứt điểm các tồn đọng để công ty lập phương án gửi UBND tỉnh xin dừng triển khai hoặc chuyển nhượng dự án, nhằm tránh lãng phí và bảo toàn vốn, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
2.
Dự án thứ hai là Trung tâm thực hành nuôi trồng thủy sản Đại học Vinh, tọa lạc trên diện tích hơn 9ha gần biển (xã Xuân Trường, huyện Nghi Xuân), được triển khai xây dựng với hơn 30 tỷ đồng. Năm 2010, dự án đưa vào sử dụng. Mục tiêu của trung tâm là nghiên cứu phát triển nguồn giống tôm, cá cho khu vực Bắc miền Trung; là nơi phục vụ đào tạo, nghiên cứu, thực nghiệm, thực hành, thực tập rèn nghề, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ kỹ thuật nuôi trồng thủy sản cho sinh viên, học viên…
Tuy nhiên, sau một thời gian đi vào hoạt động, trung tâm này đã không mang lại hiệu quả, dự án gần như bỏ không, nhiều hạng mục phòng chức năng, phòng bảo vệ bị hư hỏng, xuống cấp, khuôn viên cỏ dại mọc um tùm, nhếch nhác.
Theo một cán bộ UBND xã Xuân Trường, xã từng nhận được phản ánh của người dân về việc trung tâm bỏ hoang và xả nước thải từ hồ nuôi tôm ra ngoài. Xã đã báo cáo lên cấp trên để kiểm tra các hồ tôm bên trong trung tâm, còn việc các hồ tôm là của nhà trường hay cho doanh nghiệp bên ngoài vào thuê lại thì xã không xác định được.