Nước Đức là biểu trưng sự phồn thịnh của nền kinh tế châu Âu. Thổ Nhĩ Kỳ lại thường được xem là ngã tư đường của các nền kinh tế với phần đất nhỏ nằm trên phần lục địa già. Có hơn 2 triệu người Thổ đang sống tại Đức và khi hai đội tuyển gặp nhau để tranh một chiếc vé vào bán kết, tự nhiên tại nước Đức xuất hiện một lằn ranh...
Từ Moenchengladbach đến Munich. Từ Braunschweig đến Bonn. Từ những khu dân cư chật chội đến những đại lộ thênh thang, người ta có cùng một cách biểu lộ cảm xúc nhưng khác nhau về niềm vui. Khi Đức hạ gục Bồ Đào Nha hay Thổ Nhĩ Kỳ đánh bại Croatia thì cả nước Đức sống trong bầu không khí của lễ hội chiến thắng, đến mức, không ai có thể phân biệt đâu là niềm vui của người Đức và đâu là hạnh phúc mang tên Thổ Nhĩ Kỳ.
Vậy đấy, trước thềm trận bán kết đầu tiên của Euro, một lằn ranh đã xuất hiện. Người Đức gốc Thổ sẽ cổ vũ cho ai trong trận đấu này? Câu hỏi ấy khiến người ta nhớ đến một sự kiện được gọi là “Bài kiểm tra của Tebbit” hồi thập niên 80. Khi ấy, một cựu bộ trưởng Anh quốc, ông Norman Tebbit kêu gọi những người nhập cư đang sống tại Anh hãy cổ vũ cho đội tuyển Anh thay vì cho đội bóng quê cha đất tổ.
o0o
Điều đó thật khó xảy ra trong trận đấu đêm nay. Theo một cuộc điều tra do báo Die Zeit công bố hồi tháng 3 thì phân nửa người Đức gốc Thổ không hề cảm thấy được chào đón tại nước Đức phồn thịnh. Những phân tích về xã hội cho thấy, dù chính phủ Đức đã có nhiều kế hoạch thúc đẩy tiến trình hòa nhập của người nhập cư nhưng đối với người Thổ vẫn còn một khoảng cách nhất định, phần lớn là do tôn giáo. Cuộc sống của họ tại nước Đức trở nên khép kín hơn và giảm đi rất nhiều lần cơ hội hòa nhập so với các dân tộc khác.
Một chủ cửa hiệu nhỏ tại quận Kreuzberg – nơi còn được gọi là “tiểu Istanbul” ở Berlin – nói lên cảm nhận riêng của ông ta mà hãng thông tấn AFP đã trích dẫn vào hôm qua: “Không có nhiều việc làm cho người nước ngoài tại Đức. Khi tôi xin việc, người ta sẽ lạnh nhạt nếu tôi nói cái tên Thổ Nhĩ Kỳ của mình. Còn nếu đưa ra cái tên Đức thì được chào đón ngay. Tôi treo lá cờ Đức trước cửa tiệm chẳng qua là để kinh doanh”.
Người đàn ông Thổ giấu tên ấy kết luận rằng, ông chẳng việc gì phải ủng hộ cho đội tuyển Đức. Tất nhiên, tình yêu của ông ta sẽ trao hết cho những chàng trai của Fatih Terim vì nỗi nhớ quê hương, vì tinh thần Thổ Nhĩ Kỳ mới là điều giúp ông tồn tại trong cuộc sống trên nước Đức.
o0o
Đó là một tinh thần đặc biệt, khó trộn lẫn. Người ta nhắc nhiều về tinh thần ấy vì nhiều lý do: Vì Thổ Nhĩ Kỳ là ngã tư đường của các nền kinh tế, là nơi khởi nguồn hoặc trung tâm của những cuộc chiến lớn giữa các nền văn minh trong quá khứ; vì có một làn sóng người di cư sang phần lớn địa lục châu Âu; vì yếu tố lịch sử đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành bản sắc Thổ Nhĩ Kỳ; vì sự giao thoa, tương khắc diễn ra liên tục giữa những nền văn hóa khác nhau, đa dạng, phức tạp...
Tinh thần đó cũng chính là phẩm chất quý giá nhất mà đội bóng của ông Terim đã đem đến cho Euro 2008. Tinh thần ấy đã từng làm nên một Galatasaray oai hùng tại đấu trường châu Aâu ngày nào. Tinh thần ấy sẽ tạm thời chia đôi hai cộng đồng CĐV ở nước Đức trong trận cầu đêm nay. Trong đó, những người Thổ đang cảm thấy mình thiệt thòi tại nước Đức dù sao cũng sẽ hạnh phúc hơn vì bóng đá Thổ đang sánh vai cùng đội tuyển Đức tiến vào trận bán kết giải đấu lớn nhất châu lục.
Hồ Việt