Cả tuổi thơ gắn với nghĩa trang
Có mặt tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Vĩnh Linh vào một sáng trung tuần tháng 7, dù mới hơn 8 giờ nhưng nhiệt độ ngoài trời đã trên 370C. Bước vào nghĩa trang, nhìn những hàng cây xanh được cắt tỉa gọn gàng, những phần mộ được lau chùi, quét dọn sạch sẽ và nghi ngút khói hương, chúng tôi mới cảm nhận được phần nào sự vất vả, tận tâm của những người quản trang nơi đây.
Chị Phạm Thị Phượng (36 tuổi, ở thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), tốt nghiệp ngành Hành chính văn thư, nhưng đến với nghề quản trang như một cơ duyên. Sau khi người quản trang tiền nhiệm là mẹ chị Phượng về hưu, chị Phượng đã tiếp nối và đến nay đã hơn 12 năm gắn bó với công việc này.
“Mẹ tôi là Trần Thị Nguyệt, năm nay 63 tuổi. Từ năm 1983, bà là một trong những người quản trang đầu tiên làm công tác chăm sóc các phần mộ liệt sĩ nơi đây. Từ nhỏ đã sống cùng mẹ ở nhà tập thể nằm trong khuôn viên của nghĩa trang, khi mẹ làm việc thì mình cũng đi theo sau để phụ. Cả tuổi thơ của tôi gắn bó và lớn lên nơi đây nên tôi coi đây như là nhà của mình, xem các liệt sĩ như là những người thân trong gia đình mà tận tâm hương khói, chăm sóc các phần mộ. Vì thế, năm 2010, sau khi mẹ về hưu, tôi quyết định tiếp nối công việc của bà từ đó đến nay”, chị Phượng tâm sự.
Công việc gặp không ít khó khăn, nhất là đối với một người phụ nữ như chị Phượng, trong khi cơ sở vật chất thiếu thốn và khối lượng công việc nhiều. Chị Phượng cho hay, Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Vĩnh Linh là nghĩa trang liệt sĩ cấp huyện có số lượng mộ phần lớn nhất tỉnh với 5.630 ngôi mộ, diện tích rộng 6ha.
Công việc hàng ngày của chị là bảo vệ, chăm sóc các phần mộ liệt sĩ, cắt tỉa cây xanh quanh nghĩa trang nên giờ giấc không cố định, thường bắt đầu từ sáng sớm và đôi khi kết thúc lúc trời đã tối muộn. Những năm đầu chưa có bảo vệ, chị Phượng phải ở lại nghĩa trang để trông coi vào ban đêm...
Khó khăn là vậy, nhưng nhiều năm qua, không chỉ làm tốt công tác chăm sóc các phần mộ, chị Phượng còn thay mặt chính quyền địa phương tiếp đón ân cần, chu đáo các đoàn khách, thân nhân liệt sĩ từ khắp các tỉnh thành về thăm viếng, hỗ trợ nhiều gia đình tìm mộ liệt sĩ, hỗ trợ thân nhân làm hồ sơ di chuyển hài cốt liệt sĩ về quê nhà…
Làm đến khi còn có thể
Hiện đã nghỉ hưu sau 27 năm gắn bó với công việc quản trang, nhưng 12 năm nay, không ngày nào bà Trần Thị Nguyệt vắng mặt tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Vĩnh Linh. Mỗi ngày từ sáng sớm, bà cùng với con gái của mình tất tả đến nghĩa trang, chăm lo cho mộ phần các anh hùng liệt sĩ mà không yêu cầu một chút quyền lợi cho bản thân.
“Thấy mẹ cứ đi làm vất vả sớm hôm khi tuổi đã cao, nhiều lần tôi khuyên mẹ nghỉ ngơi nhưng mẹ đều nói cha ông đã hy sinh tuổi thanh xuân, anh dũng ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc, gìn giữ độc lập, chủ quyền của dân tộc, nghĩa trang vẫn còn đó hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên. Việc làm của mình không là gì cả với những hy sinh ấy. Mình cứ làm đến khi còn có thể”, chị Phượng chia sẻ.
Cũng từ những việc làm, lời dạy của mẹ nên chị Phượng càng quyết tâm gắn bó với công việc của mình hơn. Chị nói: “Tôi chỉ lo không làm tròn trách nhiệm, không chăm lo cho các phần mộ được chu đáo. Mọi việc làm xuất phát từ tâm, mọi thứ đều trở nên dễ dàng, vui vẻ hơn và công việc là ước nguyện của bản thân nên cũng chưa bao giờ tôi nghĩ tới sẽ chuyển sang việc khác”.
Ông Nguyễn Ái Tân, Trưởng phòng LĐTB-XH huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị), cho biết: “Chị Phượng là một người tận tâm với công việc của mình, nhờ thế các phần mộ liệt sĩ và khuôn viên Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Vĩnh Linh luôn sạch đẹp, thêm phần trang nghiêm. Chúng tôi từng mời chị về làm việc tại phòng, nhưng chị từ chối và muốn gắn bó với công việc quản trang. Mẹ của chị Phượng đã nghỉ hưu từ lâu nhưng nhiều năm qua vẫn âm thầm, tình nguyện lên nghĩa trang để chăm sóc, hương khói cho các phần mộ liệt sĩ”.