Không phải ngẫu nhiên ông John Kerry chọn cuộc “dạo chơi” trên sông Sài Gòn cùng các chuyên gia am hiểu về biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Bởi, những dự báo đã được đưa ra từ sớm về mực nước sông Sài Gòn có thể dâng lên hàng mét trong những thập niên tới, tùy vào mực nước biển dâng. Cùng với đó, hiện tượng thành phố tiếp tục sụt lún trung bình mỗi năm 2-5cm, thậm chí có nơi đến 6cm, cần những giải pháp ứng phó khẩn cấp bằng kỹ thuật - công nghệ và kế hoạch bảo vệ môi trường tự nhiên, chống sự can thiệp quá mức của con người vào các tầng địa chất, hệ sông ngòi…
Không khó để nhận ra điểm tương đồng về tính chất “thành phố ngã ba đường” của Singapore và TPHCM. Tính năng động và sức hút của một siêu đô thị năng động luôn hấp dẫn các nguồn lực lao động thiên về công nghệ cao, ít đòi hỏi quỹ đất lớn và không thâm dụng lao động. Đây cũng chính là lý do trong buổi hội đàm với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, người đồng cấp Singapore đã đưa ra đánh giá cao dành cho block71 - hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đầu tiên của Singapore ở nước ngoài, đã hoạt động rất hiệu quả tại TPHCM.
Thực tế, TPHCM đang đối mặt với những vấn đề ô nhiễm môi trường (nước, rác thải, không khí), nguy cơ ngập lụt đô thị; ngoài ra, việc lồng ghép các chính sách của nhà nước liên quan đến chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính… là những vấn đề trọng tâm mà hai vị khách đặc biệt nêu ra, phù hợp với các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên các ngành và lĩnh vực khác nhau để đảm bảo tính hiệu quả, gia tăng giá trị, cũng là thách thức không nhỏ đối với chính quyền TPHCM.
Là một trong những nội dung quan trọng được thể hiện trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, khái niệm và mục tiêu kinh tế tuần hoàn (cùng với kinh tế số, kinh tế chia sẻ) cũng đã được đưa vào Chương trình hành động của Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ 11. Các giải pháp kinh tế tuần hoàn liên quan đến xử lý chất thải rắn, nước thải đô thị, cộng sinh công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đã được thảo luận giữa các chuyên gia hai bên. Song song với việc lồng ghép các mô hình kinh tế tuần hoàn vào các dự án, chương trình đang triển khai liên quan đến phục hồi kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính…
Ngoài ra, việc xác định ưu thế trong lộ trình tái cơ cấu kinh tế thành phố một mặt giải quyết được nguồn lực lao động một cách căn cơ hơn, không tuyển dụng đại trà để phục vụ cho cuộc đua “các tỉnh thành sản xuất ngành gì, TPHCM sản xuất ngành nấy”. Mặt quan trọng nhất là TPHCM có thể xác định và tập trung toàn lực cho các lĩnh vực trọng yếu gồm: cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ dữ liệu số; dịch vụ logistics; dịch vụ tài chính ngân hàng… Đó là những mảnh ghép quan trọng hình thành và hoàn thiện dần hạ tầng dịch vụ, hạ tầng công nghệ số cho thành phố, góp phần vào tái cơ cấu kinh tế thành phố thiên về hướng thương mại dịch vụ, sản xuất - chế biến ứng dụng công nghệ cao trên nền tảng vận hành của kinh tế tuần hoàn, của thái độ luôn cẩn trọng và biết tôn trọng hơn với môi trường tự nhiên - như thiện chí lẫn khuyến cáo của hai vị khách đặc biệt nêu trên.