Câu chuyện thứ nhất
Bạn tôi kể: Mấy năm trước, trong một lần kết thúc năm học, con bạn hớn hở báo tin vui: Cháu đạt loại học sinh xuất sắc cả năm. Khỏi phải nói, gia đình bạn hân hoan đến dường nào. Vợ chồng bạn còn tổ chức một buổi tiệc khá thịnh soạn để ăn mừng thành tích của cháu và cũng để khoe với mọi người về sự thành công của con mình.
Vài tháng sau bạn gọi điện với giọng thật buồn pha lẫn sự lo lắng. Bạn nói: Hóa ra lớp của cháu có đến 34/36 học sinh xuất sắc; 2 em còn lại cũng đạt loại tiên tiến; không có học sinh trung bình, yếu kém. Bạn nói: Giá mà các cháu giỏi thực sự thì quả là điều đáng mừng, thế nhưng trong lần thi vào đại học không em nào thi đỗ dù chỉ là trường có điểm chuẩn rất thấp. Điều này cho thấy những điểm số, thành tích, lời phê “lên mây” của giáo viên giảng dạy đều là “ảo”.
Câu chuyện thứ hai
Đối diện nhà tôi có một cháu học sinh lớp 3 rất đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ là đã 3 năm theo học nhưng khả năng tiếp thu kiến thức ở trường hầu như bằng không dù gia đình đã hết sức tìm mọi cách để cải thiện. Xin nói ngay cháu là dạng người phát triển trí tuệ bình thường, thậm chí còn rất thông minh nữa là khác nhưng mỗi tội là mê game đến nỗi không thể rời chiếc điện thoại thông minh dù trong khoảng thời gian rất ngắn.
Ban đầu, cháu bị bố mẹ răn đe, dọa dẫm sau chuyển dần sang các trận đòn thừa sống thiếu chết nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Nghe lời nhiều người, bố mẹ cháu thuê hẳn một gia sư (hiện là một nữ giáo viên giỏi cấp quốc gia) đến kèm cặp với mức chi trả khá lớn. Vậy mà cũng không thay đổi được tình thế.
Có lần tôi hỏi: Sao không xin cho cháu ở lại để tìm cách ôn tập lại kiến thức cũ đã mất mà cứ lên lớp đều đều thì lỗ hổng kiến thức cứ tăng dần rất nguy hiểm. Bạn nói: Có chứ, nhưng có được đâu. Ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm cứ vô tư cho lên lớp với lý do nếu cháu lưu ban thì ảnh hưởng đến chỉ tiêu thi đua của trường, của lớp, của phường, của quận… Thôi thì cứ cho lên lớp rồi mọi chuyện tính sau.
Đâu đã vậy, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn còn gợi ý cho cháu đi học thêm trên tinh thần “tự nguyện”; mua nhiều sách vở ngoài chương trình chính khóa. Dù biết con mình không có khả năng tiếp thu những kiến thức từ các buổi học thêm, từ sách vở được gợi ý mua tham khảo kia nhưng bố mẹ cháu vẫn bấm bụng đăng ký cho cháu học thêm và mua toàn bộ sách vở được gợi ý. Kết quả là nhận được những lời khen chung chung hoa mỹ “Cháu có cố gắng. Cháu có tiến bộ…” nhưng sức học của cháu vẫn dậm chân như cũ. Còn nhiều và rất nhiều câu chuyện đáng lo xung quanh bệnh thành tích trong ngành giáo dục mà tôi không tiện nói ra đây.
Người ta cứ chấp nhận cho những học sinh mù chữ, yếu kém lên lớp bình thường để đổi lấy các danh hiệu, tiêu chí cao đẹp như: Trường lao động tiên tiến xuất sắc; trường đạt chuẩn cấp quốc gia cấp độ 1, 2; giáo viên giỏi cấp cơ sở đến cấp quốc gia; danh hiệu “Viên phấn Vàng, Bạc…”; bằng khen, huân chương lao động các cấp. Đã có trường hợp học sinh đang theo học cấp THCS nhưng vẫn chưa đánh vần thành thuộc. Vì sao vậy?
Dạy và học thực chất, chỉ 5 từ đơn giản nhưng sao quá xa xôi và khó lòng thực hiện nếu thầy và trò không cùng tiến đến mục tiêu chung dưới sự quản lý, kiểm tra, tạo điều kiện tối ưu của các nhà quản lý. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng cần mạnh dạn đấu tranh với những tiêu cực, các thành tích ảo trong giáo dục và cần có thời gian quản lý chất lượng học tập, rèn luyện của con em mình trong điều kiện cho phép, xin đừng phó mặc cho nhà trường và giáo viên, đừng quá chủ quan với những thành tích ảo mà con em mình đạt được. Có như vậy, những rường cột của nước nhà mới thực sự có đủ đức, đủ tài để cống hiến tài năng xây dựng đất nước giàu đẹp, phồn vinh.
Báo SGGP Online mở Diễn đàn Chống bệnh thành tích trong giáo dục. Mọi thông tin xin gửi về địa chỉ email: sggponline@sggp.org.vn |