Theo báo cáo, dự án nằm trên địa bàn 6 xã ven biển của huyện Thạch Hà. Tổng diện tích sử dụng đất 4.821ha; số hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp là 4.437 hộ (18.951 nhân khẩu). Trong đó, số hộ phải di dời, tái định cư là 3.952 hộ (16.861 nhân khẩu). Số hộ dân không phải di dời, chỉ ảnh hưởng đến đất sản xuất nông nghiệp là 485 hộ (2.090 nhân khẩu)…
Từ năm 2008 đến năm 2011, chủ đầu tư đã triển khai thực hiện thử nghiệm công nghệ và bóc đất tầng phủ được khoảng 12,7 triệu m3 (thuộc đất bóc xây dựng cơ bản mỏ) đến độ sâu -34m so với mực nước biển, thu hồi 3.000 tấn quặng. Về cơ bản, dự án đã dừng hoạt động khai thác từ năm 2011 đến nay theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 164/TB-VPCP ngày 11-7-2011 của Văn phòng Chính phủ để tái cơ cấu lại doanh nghiệp, giải quyết các vấn đề giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Tính đến nay, tổng diện tích đã giải phóng mặt bằng là 830ha, gồm 741ha đã giải phóng mặt bằng khu vực mỏ và 89ha các khu xây dựng tái định cư. Diện tích đã ký hợp đồng thuê đất là 552ha. Số hộ đã di dời là 113 hộ. Tổng chi phí đầu tư đã thực hiện dự án đạt hơn 1.983 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 1.851 tỷ đồng...
- Công nghệ, kỹ thuật khai thác chưa phù hợp với đặc thù địa chất mỏ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động lớn đến môi trường.
- Phương thức vận chuyển quặng khó khả thi, hiệu quả thấp, ảnh hưởng lớn đến hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh.
- Thị trường tiêu thụ quặng sắt chưa chắc chắn.
- Năng lực tài chính của TIC và TKV (cổ đông chính) không đảm bảo: Tổng mức đầu tư của dự án (gồm giai đoạn 1 và 2) được lập tại thời điểm năm 2014 là 14.517,2 tỷ đồng (giai đoạn I: 6.777,4 tỷ đồng; giai đoạn II: 7.739,8 tỷ đồng), trong đó còn nhiều nội dung chưa được tính toán đầy đủ và nếu cập nhật bổ sung các yếu tố trượt giá thì tổng mức đầu tư của dự án tại thời điểm hiện nay có thể lớn hơn nhiều...
- Dự án khó đảm bảo được hiệu quả kinh tế, chưa nói đến các rủi ro về mặt xã hội, môi trường, an ninh trật tự trên địa bàn.
- Nhiều rủi ro không đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác; tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, đời sống dân sinh khu vực gần dự án; đặc biệt là trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, không thể xem nhẹ…
Theo tỉnh Hà Tĩnh, việc dừng dự án sẽ có một số hệ lụy trước mắt, tuy nhiên đơn thuần cũng chỉ là vấn đề kinh tế và hoàn toàn có thể khắc phục được. Cái được lớn nhất là về lâu dài, phát triển kinh tế - xã hội sẽ bền vững, tăng trưởng kinh tế sẽ đảm bảo được vấn đề môi trường, nhất là môi trường dọc dải ven biển; sẽ không đặt ra các vấn đề rủi ro, hệ lụy về môi trường, thảm họa thiên tai có thể đe dọa nghiêm trọng đến đời sống, môi trường đầu tư, môi trường biển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…
Tỉnh Hà Tĩnh cũng sẽ tiếp tục báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Trung ương sớm có quyết định chính thức việc dừng Dự án; đồng thời phối hợp tích cực, chặt chẽ với Bộ trong việc xử lý các vấn đề liên quan.
Mỏ quặng sắt Thạch Khê, tỉnh Hà Tĩnh, được xem là lớn nhất Việt Nam và đứng số 1 ở khu vực Đông Nam Á, được phát hiện khoảng từ năm 1960 với trữ lượng 544 triệu tấn. Theo tính toán ban đầu của cơ quan chức năng, sản lượng quặng khai thác từ mỏ Thạch Khê sẽ đạt 370 - 400 triệu tấn. Thời gian đầu có thể khai thác 10-15 triệu tấn/năm và những năm tiếp theo sẽ nâng dần lên, kéo dài 47 đến hơn 50 năm. Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê được triển khai từ tháng 9-2009, từng được kỳ vọng rất lớn, trong đó sẽ góp phần đưa Hà Tĩnh trở thành một trong những trung tâm công nghiệp nặng của cả nước và là trung tâm khai thác luyện cán thép lớn nhất Việt Nam… Tuy nhiên, sau đó vì nhiều nguyên nhân, dự án phải tạm ngừng hoạt động. |