Sáng 17-10, ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, sau 3 giờ tạm dừng xả nước qua tràn để tìm kiếm người mất tích vào tối 16-10, đơn vị đã yêu cầu hồ thủy điện Hương Điền (thượng nguồn sông Bồ, có dung tích 820,66 triệu m³) tăng lưu lượng xả nước về hạ du xấp xỉ 500m³/s. Đồng thời, tiếp tục theo dõi tình hình mưa lũ để tăng lưu lượng xả.
Cũng theo ông Hòa, hiện lưu lượng đến hồ thủy điện Hương Điền khoảng 2.000m³/s nên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế đang xem xét để yêu cầu Công ty CP thủy điện Hương Điền tăng thêm lưu lượng xả nước về hạ du khoảng 1.000m³/s vào trưa 17-10 nhằm đảm bảo an toàn cho công trình cũng như tránh trường hợp lũ lên đột ngột ở vùng hạ du.
Liên quan đến lệnh yêu cầu hồ thủy điện Hương Điền tạm dừng vận hành điều tiết qua tràn từ lúc 16 giờ 30 phút đến 19 giờ 30 phút ngày 16-10, ông Hòa cho biết, đơn vị căn cứ vào tình hình mưa lũ thời điểm đó cũng như lưu lượng nước đến lòng hồ thủy điện Hương Điền để phát lệnh tạm dừng xả qua tràn, chỉ duy trì vận hành bình thường qua tuabin để phục vụ công tác tìm kiếm 2 nạn nhân mất tích ở dạ du Thủy điện Hương Điền vào chiều cùng ngày.
Sáng cùng ngày, ông Lê Minh Hóa, Phó Chủ tịch UBND phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa tìm thấy 2 vợ chồng bị mất tích do lật ghe trong lúc bủa lưới đánh cá trên sông Bồ.
Nạn nhân là ông Trần Minh Đ. (65 tuổi) và vợ là Võ Thị Th. (ngụ tổ dân phố Lại Bằng 2, phường Hương Vân). Thông tin ban đầu, 2 nạn nhân mất tích sau vụ lật ghe xảy ra trên sông Bồ, gần khu vực chân cầu vượt thuộc Dự án đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đoạn qua phường Hương Vân (Hương Trà) vào chiều 16-10.
Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, khi người nhà không thấy họ trở về nên trình báo cơ quan chức năng. Ngay lập tức, chính quyền địa phương, Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế, Công an thị xã Hương Trà đã điều động lực lượng đến hiện trường nhưng chỉ tìm thấy chiếc ghe, các nạn nhân vẫn mất tích.
Sông Bồ đoạn xảy ra vụ lật ghe là khu vực gần chân đập thủy điện Hương Điền và đang thực hiện lệnh điều tiết nước cắt lũ từ ngày 13-10.
Từ 5 giờ ngày 17-10, hồ chứa nước Kẻ Gỗ (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) tiến hành vận hành điều tiết xả nước qua cống, tràn với lưu lượng xả từ 10m3/s cho đến 100m3/s.
Thông báo của Công ty TNHH MTV thủy lợi Nam Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, vào lúc 21 giờ ngày 16-10-2021, mực nước hồ Kẻ Gỗ ở cao trình +27,33m.
Để đảm bảo phương án dự phòng cho trường hợp tiếp tục mưa lớn có thể xảy ra vượt ngoài dự báo như các năm trước, khi mực nước đạt ngưỡng xả lũ mới vận hành xả tràn thì nguy cơ làm tăng ngập lụt cho hạ du; mực nước hồ Kẻ Gỗ thời điểm 21 giờ ngày 16-10 là +27,33m và đang lên, đồng thời mực nước thủy triều từ 3 giờ đến 6 giờ ngày 17-10 ở mức thấp, Công ty TNHH MTV thủy lợi Nam Hà Tĩnh tiến hành điều tiết hồ chứa nước Kẻ Gỗ.
Theo đó, thời gian vận hành điều tiết xả nước qua cống, tràn bắt đầu từ lúc 5 giờ ngày 17-10 (khi mực nước thủy triều dự báo đạt 1,3m) với lưu lượng xả từ 10m3/s cho đến 100m3/s.
Đơn vị sẽ điều tiết nước qua cống lấy nước qua 2 cửa xả thủy điện; xả qua tràn Dốc Miếu 2 cửa, độ mở từ 30cm đến 150cm.
Để đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhân dân vùng hạ du, Công ty TNHH MTV thủy lợi Nam Hà Tĩnh đề nghị UBND các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh và các xã chịu ảnh hưởng trong hệ thống thông báo và hướng dẫn đến tận người dân biết, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, tránh xảy ra trường hợp bất cẩn, mất an toàn trong quá trình vận hành, điều tiết hồ Kẻ Gỗ.
Hồ Kẻ Gỗ nằm cách trung tâm TP Hà Tĩnh khoảng 20km về phía Tây - Nam. Hồ được xây dựng trên lưu vực sông Rào Cái, rộng gần 2.800ha, dài hơn 30km, dung tích 345 triệu m³ nước, trải dài trên địa phận huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Hương Khê (Hà Tĩnh). Nước hội tụ từ hàng trăm sông, khe suối của dãy Trường Sơn đổ về, như: Rào Bưởi, Rào Pheo, Rào Trâm, Rào Trường, Khe Môn, Rào Cời, Rào Len, Rào Qéo… Hồ cung cấp nước tưới cho 21.136ha đất canh tác của huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và TP Hà Tĩnh, chống lũ quét, xói mòn cho vùng hạ du, ngăn chặn lũ lụt của sông Rào Cái, cung cấp nước tưới phục vụ công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt trong vùng... Ngoài ra còn góp phần quan trọng cải tạo môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên của cả một vùng rộng lớn, một điểm du lịch sinh thái lý tưởng ở khu vực miền Trung. Bao quanh hồ có 11.811ha rừng tự nhiên, 261ha rừng trồng… |