Anh Nguyễn Ngọc Ký (thôn Xuân Sơn, xã Cổ Đạm - địa phương trồng đào phai cảnh lớn nhất ở huyện Nghi Xuân), cho biết, gia đình anh trồng đào phai cảnh từ 7 năm nay với 500 gốc, tết năm nay sẽ xuất bán trên 100 gốc, dự kiến giá bình quân mỗi gốc từ 500.000 đồng đến khoảng 3 triệu đồng, kỳ vọng tổng thu nhập gần 100 triệu đồng. Theo anh Ký, năm nay nhờ thời tiết thuận lợi, cộng với chăm sóc đúng kỹ thuật nên đào phát triển tốt, tạo dáng đẹp, các cành bắt đầu bật nụ nhiều.
Ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Cổ Đạm, cho biết, toàn xã có khoảng 130 hộ dân trồng trên 15ha đào phai, tập trung ở thôn Xuân Sơn, Kẻ Lạt, giúp nhiều hộ dân có thu nhập khá, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Để nâng cao chất lượng cây đào, ông Lê Thanh Bình cho biết, chính quyền địa phương đã phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung bộ tổ chức tập huấn nâng cao trình độ, kỹ thuật trồng, chăm sóc đào đạt chất lượng cho các hộ dân. Ngoài ra, xã phát động cuộc thi “Vườn đào và cây đào đẹp - Xuân Quý Mão 2023”, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại, hướng tới du lịch, dịch vụ, từng bước xây dựng hình ảnh hoa đào trở thành thương hiệu của xã Cổ Đạm.
Tại các xã Lưu Vĩnh Sơn (huyện Thạch Hà), Cẩm Hưng (huyện Cẩm Xuyên), hàng trăm hộ nông dân cũng đang dồn sức cho công đoạn chăm sóc đào để bung nụ đúng dịp Tết Nguyên đán. Ông Nguyễn Đình Hoạt, Chủ tịch UBND xã Cẩm Hưng, cho biết, toàn xã có 350 hộ dân trồng đào phai với diện tích khoảng 20-25ha; thu nhập từ trồng đào của toàn xã ước đạt hơn 10 tỷ đồng/năm. Đào phai là cây trồng chủ lực phát triển kinh tế của nhiều hộ dân.
Còn theo ông Trần Bá Hoành, Chủ tịch UBND xã Lưu Vĩnh Sơn, toàn xã có khoảng 400 hộ dân trồng đào phai với diện tích hơn 100ha, trong đó có khoảng 60ha cho thu hoạch. Năm nay, đào phai cảnh được đánh giá là được mùa, tạo dáng đẹp, nụ nhiều, người dân kỳ vọng sẽ có thu nhập khấm khá, ước thu nhập từ trồng đào của toàn xã đạt khoảng 25 tỷ đồng.