Có mặt tại đây, chúng tôi ghi nhận, dọc bờ biển của các xã này, từ sáng sớm, khi thủy triều xuống, người dân mang theo những dụng cụ thủ công là chiếc cào bằng tre và nhựa dài 1,5 đến 2,5m, có gắn túi lưới ở phía đáy dài 5-8m. Sau đó, tập trung thành từng nhóm lội ra ngoài mặt nước biển ngang bụng, cách bờ khoảng 10-50m cào bắt con ốc ruốc nằm trộn lẫn dưới lớp cát.
Ốc ruốc cào được bao nhiêu đều được người thu gom, mua hết tại bờ biển |
Mỗi đợt cào ốc ruốc mất khoảng thời gian 15 đến 30 phút, khi thấy túi lưới đã đầy ắp ốc ruốc, người dân nhanh chóng đưa lên bờ và đổ ốc vào các bao tải đã được chuẩn bị sẵn. Sau đó, người dân quay trở lại tiếp tục cào mớ ốc mới, công việc này cứ tiếp diễn liên tục. Không khí làm việc cào "lộc biển" ốc ruốc diễn ra rất khẩn trương và rộn vang tiếng cười nói cả một khu vực.
Dụng cụ và số ốc ruốc được người dân cào được |
Thời điểm này ốc ruốc xuất hiện ở khu vực dọc bờ biển địa bàn xã Thịnh Lộc, xã Thạch Kim và thị trấn Lộc Hà rất nhiều nên dễ cào bắt, đặc biệt là những người trẻ khỏe thường cào được số lượng ốc ruốc nhiều hơn. Ốc ruốc cào bắt bao nhiêu đều được thu mua hết.
Từng bao tải ốc ruốc đầy ắp lần lượt được những người trẻ khỏe bốc xếp lên chiếc xe công nông đầu ngang đi ra tận bờ biển, tiếp đó ốc ruốc được vận chuyển đưa lên địa điểm tập kết ở trên bờ kè ven biển để bốc lên các thùng xe container đưa đi tiêu thụ.
Người dân cào "lộc biển" ốc ruốc dọc bờ biển |
Đang cào ốc ruốc trên bờ biển, ông Nguyễn Văn Hùng (62 tuổi, ở huyện Lộc Hà) cho biết, từ sáng sớm, khi thủy triều xuống, 3 người trong gia đình đã mang các dụng cụ thủ công ra bờ biển cào bắt ốc ruốc và được khoảng 7 bao tải, với giá bán 70.000 đồng/bao tải, sẽ mang về thu nhập 490.000 đồng.
Theo ông Hùng, trong ngày, đối với những gia đình huy động tối đa nhân lực sẽ cào được số lượng lớn hơn, có khi lên đến hàng chục bao tải ốc ruốc và mang về thu nhập hàng triệu đồng. Công việc tuy luôn tay, toàn thân ướt đẫm, song có thu nhập khá và tiêu thụ thuận lợi ngay tại bờ biển nên người dân phấn khởi.
Người dân lội ra biển ở mực nước ngang bụng để cào bắt ốc ruốc |
Ốc ruốc hay còn gọi là ốc chép, có kích cỡ nhỏ bằng hạt nút áo (khuy áo) với vỏ có nhiều màu sắc sặc sỡ... Ốc ruốc sống gần bờ biển và thường tụ lại thành từng đám, có lúc nổi dật dờ theo con sóng biển ven bờ, có lúc nằm dày đặc ngay bờ biển. Sau đợt mưa lũ vừa qua, số lượng ốc ruốc tấp vào bờ biển nhiều, nhiều bãi có mật độ rất dày nên dễ cào bắt.
Ốc ruốc sau khi cào được và cho vào các bao tải |
Phó Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) Trần Văn Quý cho biết, sau ảnh hưởng mưa lũ vừa qua, ốc ruốc xuất hiện dọc bờ biển của xã này rất nhiều, nhất là lúc mực nước từ cổ chân đến ngang bụng. Không chỉ có người dân ở huyện Lộc Hà mà nhiều người dân ở tận trong địa bàn tỉnh Quảng Bình cũng ra đây cào bắt ốc ruốc.
Ốc ruốc có nhiều màu sắc |
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) Trần Văn Quý, ốc ruốc được các thương lái thu gom, tập kết lên 6-8 thùng xe container rồi vận chuyển đi vào miền Nam tiêu thụ, để nghiền làm thức ăn cho nuôi thủy hải sản. Hiện nay, giá mỗi bao tải ốc ruốc được bán tại khu vực bờ biển của địa phương dao động khoảng từ 60.000-80.000 đồng, bình quân mỗi người một ngày thu nhập khoảng 500.000 đồng, nhiều người thu nhập lên đến hàng triệu đồng. Được “lộc biển” ốc ruốc với số lượng lớn đã mang về nguồn thu nhập đáng kể nên người dân phấn khởi, nhất là thời gian này đang nhàn rỗi.
>> Một số hình ảnh người dân cào bắt "lộc biển" ốc ruốc
Vận chuyển bao tải chở ốc ruốc về điểm tập kết |
Ốc ruốc được tập kết trên kè biển để bốc lên phương tiện đưa đi tiêu thụ |