Đây là tín hiệu vui, phấn khởi đối với bà con ngư dân trong dịp giáp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, sau thời gian dài họ phải cho tàu nằm bờ do biển động, giá rét.
Tại cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) sáng 14-1, hàng chục tàu thuyền đều đầy ắp ruốc biển tươi rói trên khoang, đang tấp nập vào cảng cá để tiêu thụ hàng. Trên bến cảng, người dân và thương lái nhộn nhịp chen chúc nhau thu mua ruốc biển từ các tàu để đưa về chế biến.
Ruốc biển được đưa từ tàu lên chất đầy xe kéo |
Ngư dân Nguyễn Hữu Quang (53 tuổi, trú tại xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) vừa cho tàu cá có công suất khoảng 120CV vào cập cảng cá Cửa Sót, cho biết, tàu ra khơi từ chiều tối 13-1, đánh bắt trong phạm vi từ khoảng 3 đến 6 hải lý, nhờ biển lặng, điều kiện thời tiết thuận lợi nên đã trúng gần 1 tấn ruốc biển tươi rói. Sau khi chất ruốc lên tàu, sáng 14-1, tàu vận chuyển ruốc vào cảng cá Cửa Sót và được thương lái đến thu mua tận nơi với giá hàng triệu đồng. Chuyến đi biển cuối năm như vậy là “thuận buồm, xuôi gió”, hy vọng đầu năm mới sẽ tiếp tục ra khơi gặp nhiều chuyến biển thuận lợi tương tự.
Bốc ruốc biển từ tàu lên cảng cá Cửa Sót |
Nhiều ngư dân có mặt tại cảng cá Cửa Sót cho biết, nhiều tuần nay do ảnh hưởng biển động mạnh, thời tiết giá rét nên tàu thuyền phải nằm bờ. Mấy ngày nay, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nắng ấm, biển lặng, bà con ngư dân chuẩn bị xăng dầu, ngư lưới cụ bắt đầu cho thuyền ra khơi ở vùng biển gần bờ và rất may liên tiếp trúng đậm nhiều mẻ ruốc biển. Giá dao động mỗi kilogam ruốc từ 4.500 đến 7.000 đồng, tùy loại. Mặc dù giá ruốc thời điểm này rẻ hơn so với trước, nhưng nhờ đánh bắt được số lượng nhiều nên cũng có thu nhập đáng kể.
Trúng đậm ruốc biển cũng tạo việc làm cho nhiều lao động tại cảng cá Cửa Sót |
Từ ngày 13 đến 14-1, tại cảng cá Cửa Sót, có khoảng 60 lượt tàu trúng đậm ruốc biển với sản lượng trên 50 tấn. Ngoài ra, bà con còn đánh bắt được một số loại hải sản khác như, cá, tôm, mực, cua ghẹ…
Theo nhiều ngư dân ở tỉnh Hà Tĩnh, đánh bắt ruốc biển từ khoảng 1-5 hải lý trở vào không mất quá nhiều công sức, nhân lực so với đánh bắt các loại tôm, cá khác. Ruốc biển sau khi đánh bắt đưa vào các cảng cá, bến bãi có bao nhiêu đều được thương lái thu mua hết. Không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước, ruốc biển sau khi chế biến còn được xuất khẩu. Mùa ruốc biển thường kéo dài từ tháng 10 Âm lịch đến tháng 5 năm sau. Ngoài chế biến mắm và các món ăn khác, ruốc biển còn được phơi, sấy khô làm thực phẩm sử dụng quanh năm.
Ruốc biển chất đầy tại cảng cá Cửa Sót |
Ruốc biển là loài sống thành đàn ở độ sâu khoảng 100m - 200m, sống dưới bùn cát, dụng cụ đánh bắt là kheo, lưới rút, hoặc đơn giản là một cái dạ với sào tre... Con ruốc ở vùng biển Hà Tĩnh được đánh giá ngon hơn so với các vùng khác nên không xảy ra tình trạng ế hàng.
Đánh bắt ruốc được mùa không chỉ vừa mang lại thu nhập đáng kể cho bà con ngư dân mà còn giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi của địa phương. Đặc biệt, ở Hà Tĩnh, nhiều gia đình làm ruốc thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/mùa ruốc biển…
Tàu cá trúng ruốc biển vào cập cảng cá Cửa Sót |
Các lao động bốc ruốc biển từ dưới tàu lên cảng cá Cửa Sót |
Ruốc biển đưa vào cảng cá và được thương lái thu mua tại chỗ |
Cảng cá Cửa Sót ngày cuối năm tấp nập tàu thuyền chở ruốc vào tiêu thụ |