Hà Tĩnh: Ngăn chặn tình trạng thả rông trâu bò trên các tuyến đường bộ, đường sắt
SGGPO
Ngày 2-11, thông tin từ UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, vừa có công điện số 22 về việc tăng cường các biện pháp ngăn chặn tình trạng thả rông trâu bò trên các tuyến đường bộ, đường sắt.
Nội dung công điện nêu rõ: Thời gian qua, mặc dù UBND tỉnh Hà Tĩnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử lý, ngăn chặn tình trạng thả rông trâu, bò trên các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt nhưng tình trạng này chưa được xử lý nghiêm túc mà còn có chiều hướng gia tăng. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận.
Trong 10 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 65 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3 người và hơn 30 con trâu bò; trong đó có 50 vụ trên đường bộ (chủ yếu trên quốc lộ 1 đoạn qua các huyện Nghi Xuân, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh) và 15 vụ trên đường sắt (qua huyện Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ).
Hiện trường vụ 2 con trâu bị tàu hỏa húc chết khi đi qua đường sắt Bắc - Nam đoạn qua xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh vào ngày 12-9-2017
Để chấn chỉnh tình trạng nêu trên và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT), vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường chỉ đạo, quán triệt đến lãnh đạo các cấp, nhất là chính quyền cơ sở phải nhận thức sâu sắc những nguy hại nghiêm trọng đối với tình trạng chăn thả gia súc trên đường, gây nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị, từ đó có những biện pháp, giải pháp căn cơ để xử lý, chấn chỉnh tình trạng này.
Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật về ATGT, đặc biệt là các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm đối với việc thả rông trâu bò gây tai nạn trên các tuyến đường bộ, đường sắt; tăng cường tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở; tổ chức rà soát, thống kê, ký cam kết không thả rông trâu bò đối với từng tổ chức, cá nhân có chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn, nhất là các tuyến đường có phương tiện tham gia giao thông nhiều và đường sắt quốc gia đi qua; đưa nội dung về công tác tuyên truyền, kiểm tra, ngăn chặn việc thả rông trâu bò vào tiêu chí bình xét gia đình văn hóa, làng, xã văn hóa hàng năm.
Bò thả rông gây nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao
Chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức vi phạm về thả rông trâu bò trên đường bộ, đường sắt và tại các khu vực công cộng theo quy định của pháp luật; thí điểm làm chuồng, trại tạm giữ trâu bò tại một số địa phương có nhiều trâu bò thả rông, để xử lý các trường hợp cố tình vi phạm. Mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý từ ngày 1-11-2017 đến ngày 15-11-2017 để làm tiền đề cho thời gian tiếp theo…
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng thả rông trâu bò trên đường bộ, đường sắt và tại các khu vực công cộng mà không được xử lý, gây mất trật tự ATGT, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.
Đàn bò thả rông trên đường gây mất an toàn giao thông
Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo Công an huyện, thành phố, thị xã, các lực lượng chức năng lập kế hoạch mở đợt cao điểm tăng cường công tác tuyên tuyền, kiểm tra, xử lý nghiêm các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức vi phạm về thả rông trâu bò trên đường bộ, đường sắt và tại các khu vực công cộng theo quy định của pháp luật.