Kêu gọi tàu, thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi tránh trú; neo đậu đảm bảo an toàn đối với các tàu, thuyền đã về bến; nghiêm cấm tất cả các loại tàu, thuyền kể cả tàu vận tải và tàu du lịch ra khơi; tổ chức sơ tán dân trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản, vùng thấp trũng ven biển đến nơi an toàn trước 17 giờ hôm nay.
Sáng 16-7, tại địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã có mưa vừa đến mưa to, đặc biệt là tại các địa bàn huyện ven biển Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân… có mưa rất to, gió thổi mạnh.
Tại khu vực cảng cá Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà (đây là cảng cá lớn nhất ở tỉnh Hà Tĩnh), bên trong âu thuyền hàng trăm chiếc tàu, thuyền các loại của ngư dân ở Hà Tĩnh và các tỉnh lân cận đã được đưa vào chằng néo cẩn thận để trú tránh bão đảm bảo an toàn.
Trong khi đó, tại các cảng cá Cửa Hội (huyện Nghi Xuân), Cửa Nhượng (huyện Cẩm Xuyên), Cửa Khẩu (thị xã Kỳ Anh)... hàng trăm tàu, thuyền các loại của người dân cũng đã được tổ chức đưa vào nơi trú tránh bão an toàn.
>> Video Clip: Sáng 16-7, tàu, thuyền các loại vào trú tránh bão tại âu Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Trước đó, lúc 21 giờ ngày 15-7, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Hà Tĩnh đã có công điện số 07 yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai công tác chủ động ứng phó với bão số 2 (tên quốc tế Talas).
Kêu gọi các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi tránh trú; hướng dẫn, sắp xếp việc neo đậu đảm bảo an toàn đối với các tàu, thuyền đã về bến neo đậu; nghiêm cấm tất cả các loại tàu, thuyền kể cả tàu vận tải và tàu du lịch ra khơi; tổ chức sơ tán dân trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản, vùng thấp trũng ven biển đến nơi an toàn trước 17 giờ ngày 16-7-2017.
Tuyệt đối không được để người dân ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản; đồng thời chỉ đạo việc chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây và triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các bến cảng, khu du lịch; chủ động tiêu thoát nước đệm, đảm bảo an toàn cho diện tích lúa và hoa màu để hạn chế thiệt hại do mưa lũ; tổ chức kiểm tra và triển khai phương án đảm an toàn cho các công trình đê điều, hồ đập, đặc biệt đối với các điểm xung yếu có nguy cơ mất an toàn cao, các công trình đang thi công dở dang; kiểm tra, cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các bến đò dọc, đò ngang, các ngầm qua sông suối để tránh xảy ra các trường hợp thiệt hại về người do bất cẩn. Chuẩn bị sẵn sàng phương tiện để kịp thời chi viện cho các công trình trọng điểm khi có lệnh...
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các công trình thủy lợi Kẻ Gỗ - Bộc Nguyên, Sông Rác - Kim Sơn - Thượng Sông Trí, Ngàn Trươi - Cẩm Trang, hạ du Nhà máy thủy điện Hố Hô, Thủy điện Hương Sơn theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chủ động điều tiết hồ đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du...
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chuẩn bị sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu.
Người dân chằng néo tàu vào khu vực âu thuyền Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Trước đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có quyết định số 1922 phê duyệt phương án phòng ngừa, ứng phó với bão mạnh, siêu bão năm 2017.
Tỉnh Hà Tĩnh đã lên phương án sơ tán dân khu vực trọng điểm vùng ven biển, cửa sông đến nơi an toàn với 4 kịch bản.
Cụ thể: Quy mô sơ tán dân khi có bão từ cấp 8 đến cấp 9 sẽ tiến hành sơ tán 1.587 hộ dân với 16.459 người thuộc 8 địa phương, đơn vị; khi có bão từ cấp 10 đến cấp 11 sẽ sơ tán 4.132 hộ dân với 23.261 người; khi có bão từ cấp 12 đến cấp 13 sẽ sơ tán 10.928 hộ dân với 47.400 người; khi có bão từ cấp 14 trở lên (bão mạnh, siêu bão) sẽ sơ tán 26.198 hộ dân với 103.440 người...
Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh có 67 xã nằm ở khu vực trọng điểm ven biển, cửa sông (trong đó 30 xã ven biển, 37 xã cửa sông) có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp bão mạnh, siêu bão và nước dâng do bão.
>> Một số hình ảnh người dân ở Hà Tĩnh đã đưa tàu, thuyền vào trú tránh bão tại âu thuyền Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh