Ngày 22-10, có mặt tại thôn Tân Ninh Châu và Hội Tiến, chúng tôi ghi nhận thời điểm này biển động mạnh, triều cường dâng cao, sóng lớn cuồn cuộn, nhiều địa điểm nước biển đã xâm thực vào sâu bên trong. Dọc theo bờ biển kéo dài hàng kilômét, nhiều diện tích đất cát ở khu vực rừng phi lao phòng hộ chắn sóng bị cuốn sạt lở và trôi tuột theo dòng nước, nhiều điểm khác bị khoét hàm ếch cũng đang chực chờ đổ sập.
Hàng loạt cây phi lao phòng hộ nhiều năm tuổi được trồng chắn sóng trước đê và cây dứa dại đủ các kích thước khác nhau đã bị sóng biển cuốn đổ sập, bật trơ gốc nằm ngổn ngang, nhiều cây phi lao còn bị sóng cuốn ra biển. Hàng loạt cây phi lao còn lại cũng đang trong tình trạng bị khoét lọng, xói mòn làm bộ rễ trồi lên khỏi mặt đất và chực chờ đổ sập bất cứ lúc nào.
Một số người dân ở xã Xuân Hội lo lắng, tình trạng triều cường và sóng biển lớn làm sạt lở đất, cuốn đổ sập cây phi lao phòng hộ chắn sóng trước đê ở dọc ven biển xảy ra ngày càng phức tạp, nghiêm trọng, ăn sâu vào gần tuyến đê nhưng chưa có cách nào để khắc phục, ngăn chặn hiệu quả.
Ông Trịnh Quang Luật, Chủ tịch UBND xã Xuân Hội, cho biết, triều cường, sóng biển xâm thực, cuốn sạt lở đất đai và làm đổ nhiều cây phi lao phòng hộ dọc bờ biển thôn Tân Ninh Châu và Hội Tiến kéo dài khoảng 2,5km, với chiều rộng hàng chục mét và đã diễn ra từ 10-2020 đến nay (riêng trong năm 2020 sạt lở ăn sâu vào bờ khoảng 15-20m).
Tình trạng trên đang đe dọa nguy cơ xóa sổ rừng cây phi lao phòng hộ và ảnh hưởng tuyến đê bên trong. Người dân và chính quyền địa phương rất lo lắng, đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan chức năng để đưa ra các phương án nhằm ứng phó trước mắt cũng như lâu dài.
Một lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghi Xuân, cho biết, huyện cũng đang đề xuất với UBND tỉnh quan tâm tạo điều kiện để đầu tư xây dựng đê giảm sóng tại bờ biển xã Xuân Hội. Đây được xem là 1 trong 4 công trình phòng chống thiên tai cấp bách.