Ngày 19-11, thông tin từ UBND huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh vừa ký quyết định số 6211/QĐ-UBND về việc công bố hết dịch lở mồm long móng trên địa bàn các xã: Kỳ Bắc, Kỳ Giang, Kỳ Đồng, Kỳ Khang. Đồng thời, bãi bỏ vùng bị uy hiếp tại các xã: Kỳ Phong, Kỳ Xuân, Kỳ Tiến, Kỳ Phú, Kỳ Thọ, Kỳ Trung và vùng đệm tại các xã: Kỳ Văn, Kỳ Thư, Kỳ Hải, Kỳ Tân, Kỳ Tây.
Theo quyết định, mọi hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, mua bán trâu, bò, các sản phẩm từ trâu, bò tại địa bàn các xã: Kỳ Bắc, Kỳ Giang, Kỳ Đồng, Kỳ Khang được phép trở lại bình thường. Hoạt động tại chợ buôn bán trâu, bò xã Kỳ Tiến và lò giết mổ trâu, bò tại các xã: Kỳ Bắc, Kỳ Đồng, được phép hoạt động bình thường dưới sự quản lý, giám sát của UBND các xã.
UBND huyện Kỳ Anh giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện, các đơn vị có liên quan, UBND các xã tiếp tục theo dõi tình hình chăn nuôi, dịch bệnh, quản lý chặt chẽ đàn trâu, bò; tiếp tục kiểm tra, giám sát, định kỳ lấy mẫu kiểm tra các ổ dịch cũ, kiểm soát tốt công tác tái đàn trâu, bò theo quy định của Luật Thú y. Phòng Tài chính - Kế hoạch và các đơn vị liên quan triển khai các chế độ, chính sách hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh (nếu có) theo đúng quy định.
Theo báo cáo của Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Kỳ Anh, trước đó, từ ngày 16-9 đến ngày 3-10, dịch lở mồm long móng trâu, bò xảy ra tại 7 thôn thuộc 4 xã Kỳ Bắc, Kỳ Đồng, Kỳ Giang, Kỳ Khang. Tổng số trâu, bò mắc bệnh là 56 con trên tổng đàn 115 con của 30 hộ gia đình (8 con trâu, 48 con bò), trong đó có 6 con bò mắc bệnh chết, buộc tiêu hủy, khối lượng 1.380kg.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kỳ Anh, từ ngày 3-10 đến ngày 12-11, trên địa bàn huyện Kỳ Anh không phát sinh trâu, bò mắc bệnh, chết tiêu hủy do bệnh lở mồm long móng (đã qua 40 ngày dịch bệnh không phát sinh).
Thời gian qua, đã sử dụng 185 lít hóa chất và 1.600kg vôi bột để thực hiện tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng nuôi, nơi chăn thả động vật mắc bệnh, phương tiện, dụng cụ dùng trong chăn nuôi,… tại vùng có dịch, vùng bị dịch uy hiếp.