Hà Tiên, xứ thơ nơi biên giới Tây Nam Tổ quốc

Tháng Giêng - mùa lễ hội, đường ra biên giới Tây Nam dập dìu bước chân du khách. Thành phố Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) cũng rộn ràng đón chào khách hành hương với những nét xưa còn phảng phất lay động sóng nước Đông Hồ.
Đường sách tại lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các – nơi giới thiệu các tác phẩm văn thơ ca ngợi cảnh đẹp Hà Tiên xưa và nay. Ảnh: QUỐC BÌNH.
Đường sách tại lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các – nơi giới thiệu các tác phẩm văn thơ ca ngợi cảnh đẹp Hà Tiên xưa và nay. Ảnh: QUỐC BÌNH.
Thả con giống xuống đầm Đông Hồ trở thành nghi thức đầu tiên của lễ hội rằm tháng Giêng gắn với đêm thơ Tao đàn Chiêu Anh Các tại Hà Tiên. Ảnh: QUỐC BÌNH.

Thả con giống xuống đầm Đông Hồ trở thành nghi thức đầu tiên của lễ hội rằm tháng Giêng gắn với đêm thơ Tao đàn Chiêu Anh Các tại Hà Tiên. Ảnh: QUỐC BÌNH.

Sáng 5-2 (nhằm ngày rằm tháng Giêng), Ban Tổ chức lễ hội thơ Tao đàn Chiêu Anh Các lần thứ 287 thả hàng trăm ngàn con giống (tôm, cá, ghẹ - PV) xuống đầm Đông Hồ đổ ra hướng biển chảy thẳng về đảo Phú Quốc.

Ông Trần Vĩnh Hà (72 tuổi, ngụ phường Tô Châu) chia sẻ, việc thả con giống xuống Đông Hồ là tục lệ lâu đời của cư dân Hà Tiên. Người xưa thả con giống để cầu quốc thái – dân an, mưa thuận gió hòa. Cầu mong nguồn lợi thủy sản không bao giờ cạn kiệt, để thế hệ con cháu mai sau gắn bó vững bền với miền biên viễn.

Thả con giống nhằm tuyên truyền cho người dân địa phương nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên của đầm Đông Hồ. Ảnh: QUỐC BÌNH.

Thả con giống nhằm tuyên truyền cho người dân địa phương nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên của đầm Đông Hồ. Ảnh: QUỐC BÌNH.

Còn ngày nay, việc thả con giống ngoài việc kế thừa truyền thống, còn nhằm tuyên truyền cho người dân ý thức bảo vệ nguồn lợi thiên nhiên, sống thuận hòa với đất trời, tránh khai thác cạn kiệt làm ảnh hưởng tới tương lai.

Khu di tích Đền thờ họ Mạc dưới chân núi Bình San (Hà Tiên) là điểm hành hương không thể thiếu. Ảnh: QUỐC BÌNH.

Khu di tích Đền thờ họ Mạc dưới chân núi Bình San (Hà Tiên) là điểm hành hương không thể thiếu. Ảnh: QUỐC BÌNH.

Khu lăng mộ dòng họ Mạc tọa lạc dưới chân núi Bình San (phường Bình San) là điểm hành hương không thể thiếu đối với du khách. Tới đây, tâm hồn con người dường như tạm gác mọi lo toan của đời sống thường nhật để lắng đọng trước không gian xưa cũ của rừng dương xào xạc phủ bóng lên nét trầm mặc của mái ngói rêu phong.

Thế hệ trẻ Hà Tiên dâng hương Đức Khai trấn Quốc công Mạc Cửu. Ảnh: QUỐC BÌNH.

Thế hệ trẻ Hà Tiên dâng hương Đức Khai trấn Quốc công Mạc Cửu. Ảnh: QUỐC BÌNH.

Nhà lưu niệm cố thi sĩ Đông Hồ - Mộng Tuyết, là nơi cất giữ hồn thơ của xứ Hà Tiên. Trấn biên cương này vào năm 1736 đã khai sinh ra thi đàn duy nhất vùng đất phương Nam mang tên Tao đàn Chiêu Anh Các. Tao nhân mặc khách gác việc kiếm đao đắm hồn vào vẻ đẹp không gì sánh nổi của đất trời. Những thắng cảnh như: “Thạch Động thôn vân” (nay là di tích núi Thạch Động); “Lư khê ngư bạc” (nay là di tích Đá Dựng); “Lộc trĩ thôn cư” (nay là bãi biển Mũi Nai); “Đông Hồ ấn nguyệt” (nay là đầm Đông Hồ)… đã đi vào thi ca in dấu thời gian.

Bên trong nhà lưu niệm cố thi sĩ Đông Hồ và vợ là cố nữ sĩ Mộng Tuyết. Ảnh: QUỐC BÌNH.

Bên trong nhà lưu niệm cố thi sĩ Đông Hồ và vợ là cố nữ sĩ Mộng Tuyết. Ảnh: QUỐC BÌNH.

Quốc lộ 80 dẫn về đất Hà Tiên dẫu còn một vài đoạn khó đi, đô thị biên giới đang chuyển mình dẫu còn đó những bộn bề chắp vá, nhưng Hà Tiên – xứ thơ vẫn có sức hấp dẫn riêng từ hồn cốt trăm năm của chính mình. Hàng đoàn khách lãng du vẫn sẽ đến rồi đi trong tình cảm luyến lưu khó tả về một miền đất ở cuối trời Tây Nam Tổ quốc.

Ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, cho biết, ước tính trong tháng Giêng, tỉnh đón khoảng 500.000 du khách. Phần lớn trong số này chọn cung đường ghé thăm Hà Tiên rồi xuống phà cao tốc ra đảo Phú Quốc.


Tin cùng chuyên mục