Phát biểu đề dẫn, PGS-TS Trần Hoàng Ngân định hướng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quận Tân Phú lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu trung hạn là phát huy mọi nguồn lực để đầu tư phát triển cơ cấu hạ tầng đồng bộ, đẩy mạnh phát triển kinh tế, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ. Đầu tư phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và chăm lo sự nghiệp y tế, giáo dục.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân xác định, mục tiêu quận Tân Phú cần đạt được trong quá trình phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng Tân Phú thành quận có môi trường đáng sống; Giảm tối đa tình trạng ngập nước, ô nhiễm; Hạ tầng giao thông đảm bảo, đô thị phát triển văn minh hiện đại; Đội ngũ công chức chuyên nghiệp, tận tâm; 100% dịch vụ hành chính công đạt cấp độ 3, 4 và là địa bàn hấp dẫn với nhà đầu tư.
“Tọa đàm xác định vấn đề cốt lõi Tân Phú cần đạt được về kinh tế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là nhận diện và khai thác lợi thế của quận, chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành công theo hướng hiện đại, bền vững, từ đó tăng nhanh thu ngân sách. Quận có điều kiện đầu tư vào hạ tầng đô thị, văn hóa, xã hội và môi trường, nâng cao chất lượng đời sống người dân”, PGS-TS Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Tại buổi tọa đàm, đồng chí Thái Văn Rê, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM góp ý, Tân Phú cần chú trọng công tác quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch hạ tầng giao thông và đô thị. Đường Bình Long đã quy hoạch rộng 30m, cần điều chỉnh lên 60-90m, có thể lên trên 100m. Khu nghĩa trang Bình Hưng Hòa có diện tích lớn, sau khi giải tỏa nên quy hoạch nơi đây thành khu đô thị, dịch vụ thương mại hiện đại, thu hút các doanh nghiệp lớn trên thế giới đến đầu tư.
Nguyên Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Tân Phú, bà Đổng Thị Kim Vui góp ý, Tân Phú muốn phát triển kinh tế, việc trước tiên là tập trung giải quyết đầu tư cơ sở hạ tầng, chú trọng hạ tầng giao thông. Quận cần xác định các tuyến đường trục kết giao thông giữa quận Tân Phú với các quận và các trục lộ của thành phố để liên thông về giao thông. Giao thông có nối kết, thông thoáng, tiện lợi thì Tân Phú mới phát triển nhanh, bền vững.
Đồng chí Ngô Anh Vũ, Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng (Sở QH-KT TPHCM) cho rằng, Tân Phú cần phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ kết nối với các trục giao thông chính và giải tỏa các nút thắt giao thông. “Hiện nay, trên địa bàn quận Tân Phú hầu hết các nút giao thông giao cắt giữa đường đối ngoại và đường chính khu vực là nút giao giản đơn chưa được mở rộng và hoàn thiện quy mô theo quy hoạch”, đồng chí Ngô Anh Vũ cho biết.