Ngày 5-10, Báo Đầu tư tổ chức Hội nghị logistics năm 2023, chủ đề “Logistic Việt Nam – Con đường phía trước”. Hội nghị nhằm tìm ra những ý tưởng hay, góp phần phát triển thị trường logistics Việt Nam trở thành trung tâm logistics tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2022 đã làm cho Việt Nam trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất Châu Á, với GDP đầu người năm 2022 là 4.100 USD.
Cạnh đó, Việt Nam đã tích cực hoàn thiện cơ chế, chính sách; kết cấu hạ tầng phát triển logistics cũng đang được cải thiện và mở rộng.
Các đại biểu thảo luận tại hội nghị |
Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 64/160 quốc gia về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Năm 2022, Việt Nam xếp hạng 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Với tốc độ phát triển đạt từ 14-16%, quy mô 40-42 tỷ USD/năm; logistics Việt Nam vẫn còn tiềm năng rất lớn. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông chưa tạo hành lang vận tải đa phương thức, chính sách chưa đồng bộ, nguồn nhân lực, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn hạn chế.
Hàng trăm đại biểu tham dự |
Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết, Việt Nam cần tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics, rà soát cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhằm giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, Nhà nước rà soát các quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển ngành logistics. Ngoài ra, xây dựng nguồn nhân lực cho lĩnh vực. Cuối cùng, các doanh nghiệp logistics cần có chiến lược kinh doanh, liên kết, liên doanh với các đối tác hoặc hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp.