Hạ tầng du lịch ở Quảng Ninh tan hoang

Ngày 9-9, người dân cùng chính quyền tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng tiếp tục khắc phục thiệt hại do bão số 3 (Yagi) gây ra để đưa cuộc sống sớm trở lại bình thường. Song người dân của 2 địa phương vẫn chưa hết ám ảnh về sức tàn phá của cơn bão lớn nhất trong mấy chục năm qua.

Ngày đầu tuần, toàn bộ học sinh vùng đất mỏ vẫn nghỉ học vì nhiều trường học còn tan hoang, hệ thống điện, nước chưa thể khôi phục. Lúc này, công việc chủ yếu của người dân Quảng Ninh nói chung và TP Hạ Long nói riêng, là dọn dẹp đống đổ nát sau khi cơn bão số 3 càn quét thành phố biển này.

Đi dọc đường phố của TP Hạ Long, từ Khu du lịch Bãi Cháy nổi tiếng với rất nhiều khu vui chơi giải trí hiện đại, khách sạn, bến du thuyền sang trọng tới TP Hòn Gai, đâu đâu cũng là cảnh tan hoang. Tìm kiếm những đồ đạc còn sót lại trong đống đổ nát, ông Trần Tuấn Huy, chủ một nhà hàng ở Khu du lịch Bãi Cháy, thất thần nói: “Tôi và mấy anh em góp công sức mở nhà hàng này hơn 6 năm nay, giờ thì trắng tay”.

tp-ha-long.jpg
Khu du lịch Bãi Cháy, TP Hạ Long thành đống đổ nát sau bão số 3

“Bố em mới báo đến hôm nay chưa có điện, nước, sóng điện thoại. Người thân phải mượn bếp than mới nấu được cơm ăn. Thành phố xơ xác, Bệnh viện Bãi cháy thì tan hoang”, một đồng nghiệp ở Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC có người nhà ở TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) chia sẻ với PV Báo SGGP.

Tính đến ngày 9-9, TP Hạ Long đã có 4 người tử vong và nhiều người bị thương do bão số 3. Cơn bão cũng làm gần 100 tàu thuyền các loại, 30 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hại; trên 550 nhà xưởng bị ảnh hưởng nặng nề; trên 50.000 hộ dân bị ảnh hưởng, thiệt hại về nhà cửa; 115 khách sạn, chung cư cao tầng bị thiệt hại nặng; khoảng 100.000 cây xanh bị gãy đổ…

Ông Vũ Quyết Tiến, Bí thư Thành ủy Hạ Long, cho biết TP Hạ Long sẽ tổ chức chiến dịch khắc phục cơn bão số 3 với mục tiêu trong 7 ngày tới, toàn thành phố tổ chức dẹp vệ sinh môi trường, sửa chữa trường học, bệnh viện và đảm bảo an sinh xã hội, cứu nạn cứu hộ người dân.

Tại Hải Phòng, bão số 3 cũng gây thiệt hại nặng nề. Theo ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, tính đến ngày 9-9, thống kê sơ bộ có 528 nhà dân, 128 trường học, 210 trạm biến áp, 367 cột điện... bị hư hỏng. Cùng với đó là gần 20.000ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập nước.

TP Hải Phòng đang ưu tiên tập trung khắc phục điện cho các cơ sở y tế, khu công nghiệp, trường học, các trạm cung cấp nước sạch để phục vụ sản xuất và nhu cầu của người dân. Hệ thống cấp nước sạch đến nay đã khôi phục được cơ bản, phục vụ khoảng 80% dân cư các quận nội thành. Tuy nhiên riêng với khu vực huyện đảo Cát Hải, do địa hình đồi núi, xa đất liền nên việc khắc phục sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Tin cùng chuyên mục