Những ngày này cách đây 152 năm, khi đất nước còn dưới ách đô hộ của thực dân, ngày 19-7-1858, Tổng thống Pháp lúc bấy giờ chính thức xác lập vị trí hành chính của Hà Nội với danh nghĩa thành phố cấp 1. Tuy nhiên, Hà Nội với vai trò là thủ đô của nước Đại Việt đã được Vua Lý Thái Tổ định danh từ năm 1010, mà hôm nay chúng ta đang khẩn trương chuẩn bị cho ngày Đại lễ Thăng Long - Hà Nội 1.000 năm tuổi.
Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử, nếu chỉ căn cứ trên tên gọi của Hà Nội ngày nay thì đây đã là vùng đất địa linh nhân kiệt từ rất xa xưa. Từ thời Cao Biền đã có thành Đại La (886). Mùa thu năm 1010, Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Đại La, và đặt tên mới cho thủ đô là Thăng Long. Sau đó, Hà Nội còn trải qua nhiều tên gọi khác: Đông Đô (1397), Đông Quan (1408), Bắc Thành (1787), rồi quay lại tên Thăng Long (1805).
Tên gọi Hà Nội chính thức có từ năm 1831, với vị trí hành chính là cấp tỉnh (cả nước có 31 tỉnh), theo cách tổ chức dưới thời Vua Minh Mạng. Hà Nội lúc bấy giờ gồm 4 phủ: Phủ Hoài Đức (khu Trung tâm TP Hà Nội hiện nay), phủ Ứng Hòa (phía Tây, tính từ phủ trung tâm), phủ Thường Tín (phía Nam) và phủ Lý Nhân (thuộc Hà Nam hiện nay).
Như vậy, từ thời Vua Minh Mạng, Hà Nội đã rất rộng, không chỉ bó gọn trong 36 phố phường như nhiều người vẫn tưởng. Còn tên gọi Hà Nội, có nhiều cách giải thích, nhưng cách được nhiều người chấp nhận nhất là “vùng đất ở trong sông”. Sông ở đây là sông Hồng và sông Đáy (nếu tính theo địa giới hành chính dưới thời Vua Minh Mạng), còn nếu tính từ thời Pháp xác lập địa giới hành chính của TP Hà Nội thì cái tên “trong sông” vẫn đúng, gắn với câu ca dao: “Nhĩ hà quanh bắc sang đông/ Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này”.
Tuy thế, dẫu có rộng rãi như thời Vua Minh Mạng, hay khá nhỏ như khi người Pháp xác định là thành phố, từ xa xưa người ta vẫn nói đến một Hà Nội kinh kỳ, một Hà Nội 36 phố phường, một Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Truyền thống hào hùng
19-8-1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, Hà Nội trở thành thủ đô của nước Việt Nam độc lập. Ngày 2-9 năm ấy, trên Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, chính thức khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng, niềm hạnh phúc được sống trong một nước độc lập tự do chưa lâu, cuối năm 1946, thực dân Pháp lại gây hấn hòng chiếm nước ta một lần nữa. Hà Nội với tư cách Thủ đô lại trở thành điểm nóng nhất trong cuộc đối đầu với kẻ xâm lược.
Ngày 17-12-1946, lính Pháp gây hấn nhiều điểm trong thành phố: Lò Đúc, Hàng Đậu, cầu Long Biên, Cửa Bắc, Trúc Bạch… Riêng ở phố Hàng Bún, chúng đã giết hại 50 người và bắt đi 15 phụ nữ. Ngày 18 và 19-12-1946, Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng tại làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) quyết định phát động toàn quốc kháng chiến.
20 giờ đêm 20-12 năm ấy, công nhân Nhà máy điện Yên Phụ phá máy, đèn toàn thành phố phụt tắt. Đó là hiệu lệnh để 3 phút sau pháo của ta từ Pháo đài Láng gầm vang, mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc. Ngày 20-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Trong những ngày tháng gian nan ấy, những chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, những người lính cảm tử với bom ba càng trong tay, những người dân phố Hàng Ngang, Hàng Đào mang bàn ghế ra dựng chiến lũy trên đường phố… theo lời Bác quyết hy sinh tất cả để bảo vệ nền độc lập nước nhà. Một thành phố do Pháp định danh lại trở thành chiến lũy kiên cường chống Pháp. 67 ngày đêm quyết tử, những chiến binh dũng cảm ấy sau khi hoàn thành nhiệm vụ kìm chân địch ở thủ đô, đã rút qua cầu Long Biên lên chiến khu, theo Đảng, theo Bác làm cuộc chiến tranh thần thánh kéo dài suốt 9 năm.
Sau ngày giải phóng thủ đô 10-10-1954, dân số Hà Nội chỉ có 53.000 người. Diện tích thành phố vẻn vẹn 152km². Năm 1961, thành phố mở rộng lên 584km², dân số 91.000 người. Năm 1978, Quốc hội quyết định mở rộng Thủ đô lần thứ hai, diện tích 2.136km², dân số 2,5 triệu người.
Quá trình đô thị hóa Hà Nội có thể nói chính thức khởi động từ thời điểm này. Nhiều làng đã biến thành phố thị và dân số theo đó tăng lên một cách cơ học. Đến nay, sau khi sáp nhập Hà Tây vào (chính thức từ ngày 1-8-2008), Hà Nội đã có số dân lên đến 6,5 triệu người. Hà Nội không còn là những dãy phố tỏa ra từ hai bên Hồ Gươm, mà đã mở rộng diện tích lên tới 3.334,92km². Hiện Hà Nội có 10 quận, 1 thị xã và 18 huyện, cư dân thành thị và cư dân nông nghiệp- nông thôn đông đúc.
Như vậy, kể từ khi Vua Lý Thái Tổ định đô tại Thăng Long, hay Vua Minh Mạng lập ra tỉnh Hà Nội, rồi người Pháp xác định địa giới thành phố Hà Nội, cho đến nay vẫn là Thăng Long- Hà Nội đấy, nhưng đã phát triển lên một tầm vóc mới, trở thành thủ đô rộng hàng thứ 17 so với thế giới.
Nam Việt