Với chủ đề Điều kỳ diệu, 101 tác phẩm tiêu biểu của cố họa sĩ sẽ được giới thiệu đến đông đảo công chúng, giới sưu tập trong và ngoài nước, từ ngày 21 đến 23-9, tại TPHCM.
Đáng chú ý nhất là, ngày 28-4-1953, Lê Văn Xương mở triển lãm cá nhân mang tên Hà Nội 36 phố phường tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Triển lãm thu hút được rất nhiều người quan tâm, từ giới chính khách, quan chức, thương nhân đến những người yêu thích nghệ thuật. Triển lãm giới thiệu 29 tác phẩm, trong số đó có 9/29 tác phẩm được bán.
Trong bài báo Một chặng đường của dân tộc và đời người công bố năm 2013, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng viết: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ và miền Bắc thời chiến tranh cũng đã trở thành hình ảnh sinh động cho những họa sĩ vẽ trước năm 1975 và tất nhiên sau đó là thời hậu chiến nhọc nhằn. Những ký họa của Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Lê Văn Xương, Nguyễn Văn Thiện, Phan Thông, Nguyễn Cao Thương, Nguyễn Thụ, Mai Long, Mai Văn Hiến, Phạm Viết Song, Phạm Lực… vẽ trong những giai đoạn đó. Họ đi cùng đất nước, gian khổ, đau khổ, đói nghèo, yêu thương như một người bình thường, chỉ khác mỗi việc cầm bút vẽ ra và may mắn lưu lại được phần nào công việc”.
Ngày 17-12-2016 là một cột mốc mới với Lê Văn Xương. Bức tranh lụa Thiếu nữ của ông đã được nhà đấu giá Lý Thị (Lythi Auction) bán thành công với giá 22.500 USD tại một phiên đấu thương mại ở TPHCM. Tại sự kiện này, Lythi Auction còn giới thiệu nhiều tác phẩm khác của Lê Văn Xương, qua đó giới mỹ thuật có dịp chiêm ngưỡng, biết nhiều hơn về một họa sĩ tài hoa nhưng thầm lặng.
101 tác phẩm bột màu, sơn dầu, phấn tiên… của Lê Văn Xương được giới thiệu lần này, do con gái ông - nhà sưu tập Lê Y Lan - muốn giới thiệu đến công chúng một phần tác phẩm mà cô sưu tập được, cũng là nhân dịp kỷ niệm 101 năm ngày sinh và 30 năm ngày mất của họa sĩ Lê Văn Xương.
Trong số ấy, có một vài chân dung tự họa, chân dung người thân. Còn phần lớn tranh triển lãm là một cơ hội tuyệt vời để khách thưởng ngoạn tìm về Hà Nội xưa - những năm cuối 1940 và thập niên 1950. Giới thưởng ngoạn có thể hòa mình cùng những phong cảnh đường phố Hà Nội xưa, với các di tích gắn liền thành phố và chìm đắm trong cảnh quan ngoại thành. Những bức tranh này tạo ra một bầu không khí yên bình, cách xa sự hối hả và nhộn nhịp của Hà Nội ngày nay. Đó là Hà Nội của Thạch Lam, của Nguyễn Tuân...
Điều kỳ diệu, tựa đề của cuộc triển lãm mượn từ tựa một tác phẩm thơ của vợ ông, văn sĩ Trần Diệu Tiên, như lời mời khách du bước vào để bắt gặp những nỗi niềm thân quen, như trong mạch máu đã chứa đựng sẵn hương sắc Hà Nội. Trên tất cả, đó là thể hiện những diệu kỳ của một nghệ sĩ đã gắn liền tâm hồn vào những nơi chốn lưu luyến nhất.
Theo gia đình ước tính, không kể tranh lưu niệm, Lê Văn Xương đã vẽ khoảng 1.000 bức tranh và làm khoảng 100 bức tượng. Không chỉ vẽ, ông còn chơi được nhiều nhạc cụ như violin, piano, accordion, mandolin và guitar Hawaii.