Hà Nội xây dựng đô thị thông minh với hệ sinh thái ngân hàng mở

Thành phố thông minh không chỉ là giải pháp để giải quyết những thách thức về dân số, môi trường, giao thông và quản lý tài nguyên, mà còn là nền tảng để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tối ưu hóa quản lý đô thị và phát triển xanh, toàn diện, bao trùm, bền vững. Trong chiến lược phát triển đô thị thông minh của Hà Nội, hệ thống thanh toán thông minh, hệ sinh thái ngân hàng mở đóng vai trò trụ cột.

11.jpg
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại hội thảo

Thanh toán thông minh

Tại Hội thảo "Hà Nội - Thành phố thông minh và hệ sinh thái ngân hàng mở" diễn ra ngày 2-10, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải khẳng định, 70 năm qua, từ ngày Thủ đô Hà Nội được giải phóng (10-10-1954) cho tới nay, TP Hà Nội đã và đang thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mục tiêu xây dựng Hà Nội thành Thủ đô xã hội chủ nghĩa bình yên, tươi đẹp, phồn thịnh về vật chất, tinh thần.

Hà Nội không ngừng vươn lên, từng bước khẳng định vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, trung tâm lớn về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước.

Những thành tựu phát triển của Thủ đô không chỉ thể hiện qua sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, qua diện mạo hiện đại, phồn thịnh của đô thị, mà còn được minh chứng qua những chủ trương chính sách, chiến lược phát triển dài hạn, hướng tới một thành phố thông minh, xanh và bền vững.

Theo ông Hà Minh Hải, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hà Nội xác định rằng việc xây dựng một đô thị thông minh là điều tất yếu và cấp thiết.

Thành phố thông minh không chỉ là giải pháp để giải quyết những thách thức về dân số, môi trường, giao thông và quản lý tài nguyên, mà còn là nền tảng để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tối ưu hóa quản lý đô thị và phát triển xanh, toàn diện, bao trùm, bền vững.

Trong chiến lược phát triển đô thị thông minh, hệ thống thanh toán thông minh, hệ sinh thái ngân hàng mở đóng vai trò trụ cột, là yếu tố thiết yếu trong việc kết nối các dịch vụ công và xã hội, cho phép tạo ra các dịch vụ và sản phẩm tài chính sáng tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, đồng thời thúc đẩy sự cạnh tranh cùng phát triển trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Hệ thống này không chỉ đơn thuần phục vụ cho các giao dịch tài chính mà còn mở rộng đến mọi lĩnh vực đời sống, sản xuất kinh doanh, từ thương mại điện tử, dịch vụ công, y tế, giáo dục đến giao thông.

11 (2).jpg
Thanh toán không tiền mặt đang phổ biến ở Hà Nội

Hiện nay, tại Hà Nội, việc phát triển các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như thẻ ngân hàng, ví điện tử, mã QR, và thanh toán qua di động đã mang lại nhiều lợi ích to lớn. Thanh toán thông minh giúp tiết kiệm thời gian, nâng cao tính an toàn và tiện lợi cho người dân, giúp doanh nghiệp quản lý tài chính hiệu quả hơn, và hỗ trợ chính quyền thành phố trong việc quản lý ngân sách, thu chi minh bạch, hiệu quả.

Đô thị thông minh, kết nối toàn cầu

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, trong tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu trở thành một đô thị thông minh, hiện đại và bền vững, thành phố kết nối toàn cầu. Để hiện thực hóa mục tiêu này, việc chuyển đổi số, Đề án 06 của Chính phủ, ứng dụng công nghệ số, xây dựng cơ sở dữ liệu số kết nối, các nền tảng số, phát triển hệ sinh thái thanh toán thông minh là yếu tố then chốt.

Với những nền tảng đã đạt được, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố và sự đồng lòng của các cơ quan, doanh nghiệp và người dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Hà Nội sẽ tiếp tục tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số, phát triển hệ sinh thái ngân hàng mở, đóng góp vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào sự phát triển bền vững, toàn diện của đất nước.

1660017906095_z3459402309908_cad558b0f20359d26fa6c2cbe449afa1.jpg
Quét mã QR để thanh toán dịch vụ công ở Hà Nội

Trong khi đó, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đang dần chuyển đổi từ mô hình hoạt động truyền thống sang mô hình ngân hàng mở. Sự chuyển đổi này gắn liền với việc kết nối và tích hợp các nền tảng công nghệ, giải pháp thanh toán, chia sẻ dữ liệu, nhằm phát triển một hệ sinh thái số và hệ sinh thái ngân hàng mở.

Tuy nhiên, dù có tiềm năng mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, song việc phát triển hệ sinh thái ngành ngân hàng hướng tới mô hình ngân hàng mở còn đối mặt với một số khó khăn, thách thức về an toàn bảo mật, công tác quản trị dữ liệu, tiêu chuẩn chung.

“Với vai trò là cơ quan quản lý trong lĩnh vực ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý quản lý hoạt động ngân hàng mở để giúp các tổ chức tín dụng triển khai một cách có hệ thống, phục vụ khách hàng tốt hơn, qua đó giúp các tổ chức tín dụng giải quyết nhiều bài toán dịch vụ tài chính và tiếp cận đến nhiều khách hàng hơn”, ông Phạm Tiến Dũng nêu rõ.

Tin cùng chuyên mục