Hiện thành phố đang lấy ý kiến người dân đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa. Dự thảo gồm 5 chương, 24 điều, định nghĩa trung tâm công nghiệp văn hóa là khu vực có ranh giới địa lý rõ ràng, chuyên hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Các trung tâm này có thể được tổ chức dưới dạng doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập hoặc hợp tác xã.

Theo dự thảo, việc thành lập trung tâm công nghiệp văn hóa phải đảm bảo nguyên tắc phát triển hài hòa giữa bảo tồn và đổi mới, khai thác hiệu quả giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô. Việc quy hoạch cần phù hợp với tổng thể quy hoạch Thủ đô, đặc biệt tại các khu vực có tiềm năng không gian sáng tạo như bãi sông, bãi nổi sông Hồng.
Các trung tâm công nghiệp văn hóa sẽ kết hợp giữa văn hóa truyền thống và công nghệ hiện đại nhằm tạo ra sản phẩm độc đáo, phù hợp với xu hướng hội nhập, góp phần quảng bá hình ảnh Hà Nội – "Thành phố sáng tạo" – ra khu vực và thế giới.

Dự thảo nghị quyết cũng đề xuất loạt chính sách khuyến khích nhằm thu hút nhà đầu tư, bao gồm:
- Ưu tiên lập quy hoạch và bố trí quỹ đất cho phát triển công nghiệp văn hóa;
- Ưu tiên đầu tư hạ tầng, hỗ trợ thực hiện dự án và cho thuê cơ sở vật chất;
- Khuyến khích chuyển đổi công năng tài sản công thành không gian sáng tạo
Ngoài ra, nhà đầu tư thành lập trung tâm công nghiệp văn hóa có thể được miễn tiền thuê công trình trong tối đa 3 năm đầu, giảm 50% trong 3 năm tiếp theo. Họ cũng được khấu trừ tiền thuê đất nếu đủ điều kiện theo chính sách xã hội hóa.
Tổ chức, cá nhân hoạt động tại các trung tâm còn được hỗ trợ lãi suất vay vốn, đào tạo nhân lực chất lượng cao và tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch do thành phố tổ chức.