Hai thành phố cần “sát cánh”
Tại hội thảo, nhiều ý kiến tâm huyết đã được chia sẻ với mong muốn đưa ra phương hướng, chiến lược để xây dựng, phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm (TOD) phù hợp và hiệu quả tại 2 đô thị lớn nhất nước. Các ý kiến đều có chung nhận định, việc xây dựng ĐSĐT là tất yếu và không thể muộn hơn nếu Việt Nam không muốn bị tụt hậu với khoảng cách ngày càng xa với các đô thị khác trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, để phát triển hệ thống ĐSĐT theo mô hình TOD đòi hỏi cần có nghiên cứu bài bản, sự chuẩn bị kỹ lưỡng về các vấn đề quy hoạch, nền tảng pháp lý và sự hợp tác giữa các cơ quan liên quan.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nêu thực tế là Hà Nội, TPHCM đã và đang dành nguồn lực để đầu tư xây dựng các dự án ĐSĐT, tuy nhiên quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Thực tế này đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các giải pháp, cơ chế chính sách mang tính đột phá để có thể triển khai đồng bộ và sớm hoàn chỉnh mạng lưới ĐSĐT đạt 200km mỗi thành phố theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Đồng thuận với ý kiến này, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, nhận định, Hà Nội và TPHCM có nhiều nét tương đồng trong kết quả thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội và những thách thức gặp phải trong quá trình phát triển. Do đó, việc kết nối, hợp tác, cùng nhau phát triển hệ thống ĐSĐT là cần thiết. Rút kinh nghiệm từ những dự án đã và đang thực hiện, trong thời gian tới hai thành phố sẽ sát cánh, đề xuất Trung ương cho phép được thực hiện các cơ chế đặc thù cho việc phát triển ĐSĐT nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Việc hoàn thành mục tiêu theo Kết luận 49 là hoàn toàn khả thi nếu có tư duy mới, thực sự đột phá, với một khung khổ pháp lý mới “may đo” riêng cho Hà Nội và TPHCM.
Đề xuất nhiều cơ chế đột phá
Từ thực trạng triển khai các dự án ĐSĐT tại Hà Nội và TPHCM, ông Đặng Huy Đông, Chủ tịch Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển, phân tích, với cách làm hiện nay, trong khoảng 15-20 năm chúng ta mới làm được 1 tuyến đường sắt đô thị 12-15km. Như vậy, phải 100 năm nữa mục tiêu có 200km metro cho mỗi thành phố mới hoàn thành. Với cách làm mới, mục tiêu này có thể hoàn thành trong khoảng 12 năm. Trong đó, về giải pháp kỹ thuật, việc xây dựng đường ngầm tunnel 200km chỉ cần trong 5-6 năm, chạy liên tục dưới lòng đất, không phụ thuộc giải phóng mặt bằng, chưa kể đơn hàng lớn giúp hạ giá thành 30-40% so với hiện nay. Về giải pháp kinh tế, việc đấu giá quyền đầu tư xây dựng khu đô thị TOD gắn với nhà ga/đề-pô tàu điện ngầm hài hòa lợi ích các bên có thể tạo nguồn lực tốt.
Ông Đặng Huy Đông đề xuất 12 cơ chế, trong đó việc phân cấp, ủy quyền cho 2 thành phố được ban hành các tiêu chí và tiêu chuẩn về đô thị riêng; được xác định dự án ĐSĐT gắn liền TOD là một dự án đầu tư công; được tổ chức đấu giá quyền thực hiện dự án phát triển đô thị TOD sau khi hỗ trợ giải phóng mặt bằng; được phát hành trái phiếu địa phương, trái phiếu công trình hoặc các hình thức huy động vốn hợp pháp khác vượt khung trần nợ công; dành 1 tỷ USD (vốn mồi), trong đó 50% ngân sách thành phố và 50% sử dụng ngân sách hỗ trợ của Trung ương để thực hiện dự án thí điểm; được ban hành khung tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chung áp dụng cho các dự án ĐSĐT; cho phép TPHCM thành lập tổng công ty quản lý hệ thống metro, TOD có chức năng kinh doanh đa ngành để tự chủ tài chính… Đặc biệt, ông Đông đề xuất cơ chế vượt trội, trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội thì được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi có lợi nhất.
Làm rõ khái niệm và thực tiễn TOD toàn thành phố, PGS-TS Vũ Anh Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu Giao thông vận tải Việt Đức, cho rằng, TPHCM hiện chưa có quy hoạch phát triển đô thị trên nguyên lý TOD. Từ thực tế này, ông Tuấn đưa ra 3 kịch bản phát triển TOD cho TPHCM, gồm: không TOD; TOD ở trung tâm; TOD ở các tiểu trung tâm. Trong đó, kịch bản thứ 3 được đề xuất với kỳ vọng mật độ dân số cao, hơn 10.000 người/km2 ở cả khu trung tâm và các tiểu trung tâm bên ngoài; kéo dài các tuyến đã được quy hoạch, bổ sung các tuyến kết nối khu ngoại ô và các tỉnh xung quanh; đảm bảo trên 1/2 dân số tương lai của thành phố tiếp cận các dịch vụ xã hội nhờ hệ thống ĐSĐT.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng dẫn chứng nhiều bài học kinh nghiệm đầu tư ĐSĐT tại Trung Quốc và các nước trên thế giới. Từ những bài học đó, GS Vũ Minh Khương, Học viện Hành chính công Lý Quang Diệu (Singapore), cho rằng, để thành công, cần coi phát triển ĐSĐT là một nhiệm vụ không chỉ có tính kinh tế mà cả an ninh quốc phòng (hệ thống đô thị ngầm). Thành công trong phát triển nhanh hệ thống ĐSĐT sẽ có tác động lớn giúp Việt Nam thu hút đầu tư có hàm lượng tri thức lớn và tăng năng suất lao động.
Hội thảo khoa học về “Phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TPHCM” diễn ra từ ngày 17 đến ngày 19-1. Hội thảo có 4 phiên thảo luận về: tổng quan phát triển ĐSĐT TP Hà Nội và TPHCM theo mô hình TOD; giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để phát triển ĐSĐT và khu vực TOD; huy động nguồn lực từ đất đai; quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ và quản lý dự án ĐSĐT.